THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm
27/04/2016 | 14:35  | View count: 1790

Sáng 27/ 4/2016, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông có các đồng chí: Lê Diễn, UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Chỉ đạo về VSATTP, cùng lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

 

Theo báo cáo, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động  trong việc quản lý, bảo đảm ATTP trên tất cả các khâu; công tác thông tin tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh hơn với nhiều hình thức thích hợp, phong phú, nhất là các đợt cao điểm về ATTP hàng năm. Nhờ đó, nhận thức của người dân đối với công tác VSATTP đã có những chuyển biến tích cực; ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng lên đáng kể. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát theo phạm vi công việc được phân công và tập trung xử lý các vấn đề trọng tâm, nổi cộm như vấn đề sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc trong chăn nuôi, nhập khẩu rượu, nhập khẩu thực phẩm, quản lý thực phẩm chức năng và đạt được một số kết quả nhất định. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể, từ 9,8% trong tháng 1/2016, giảm xuống còn 1,46% trong tháng 2/2016 và giảm còn 0,66% trong tháng 3/2016. Qua đợt kiểm tra ATTP (10/2015-2/2016) cho thấy mức độ tồn độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã có mức giảm đáng kể, với dư lượng thuốc BVTV trong rau là 5,17% (năm 2014 là 5,43%); thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn là 1,91% (năm 2014 là 6,84%; 9 tháng đầu năm 2015 là 4%)…

Mặc dù vậy, thời gian qua, công tác đảm bảo ATTP trên cả nước vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể, một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của Trung ương phát hiện; rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện. Nhiều ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương (được tổ chức tại cấp tỉnh, cấp huyện)  hoạt động chưa hiệu quả. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp kiểm nghiệm theo kịp nhu cầu…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương  cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về VSATTP, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm VSATTP cần được tăng cường, chú trọng. Công tác truyền thông, giáo dục phải tiếp tục được triển khai sâu rộng nhằm tạo chuyển biến tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân về nhận thức, thực hành VSATTP. Công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về thực hiện các quy định pháp luật về VSATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa, với sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các ngành liên quan. Đồng thời, các tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP phải được xử  lý nghiêm để tạo sự răn đe cần thiết trong xã hội.

Song thư