KINH TẾ - XÃ HỘI

Nông sản chủ lực tỉnh Đắk Nông, trên đường xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu
02/01/2019 | 13:58  | View count: 35992

Thương hiệu là tài sản phi vật thể nhưng mang giá trị vật chất thiết thực đối với một doanh nghiệp nói riêng hay một quốc gia, một nền kinh tế nói chung. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước hiện đang là mối quan tâm của rất nhiều địa phương. Xác định được tầm quan trọng của thương hiệu trong sự phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu, tỉnh Đắk Nông là một trong những tỉnh quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương từ rất sớm.

Đắk Nông có tiềm năng rất lớn về mặt hàng nông sản. Chính lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai và hơn 80% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp đã tạo nên sự đa dạng trong các sản phẩm nông nghiệp. Nông sản của Đắk Nông có nhiều loại khác nhau nhưng được chia làm 3 nhóm chính với các nông sản tiêu biểu. Trong đó, nhóm hàng nông sản chủ lực bao gồm: cà phê, hồ tiêu, điều, cao su,…; Nhóm hàng rau quả bao gồm: bơ, sầu riêng, cam quýt, măng cụt, xoài, chanh dây, … ; Nhóm hàng lương thực bao gồm: lúa, ngô, khoai sắn, lạc, đỗ tương,…

Đến nay, mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Singapore, Australia, Trung Quốc, Philipin,… Các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Đắk Nông cũng đang đại diện cho những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế như: cà phê, tiêu, điều nhân, cao su,…

Những kết quả đạt được

Thời gian qua, công tác xây dựng thương hiệu nông sản trên địa bàn Đắk Nông đã có những bước đột phá mạnh mẽ, điển hình là một số nông sản đã khẳng định được thương hiệu và bắt đầu vươn đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Những thành công này chính là minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản trong giai đoạn hiện nay, đồng thời sẽ tạo động lực, mang lại nguồn kinh nghiệm quý cho các nông sản tiếp theo của Đắk Nông trên hành trình định danh tên tuổi.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đến thời điểm này, Sở đã hướng dẫn thủ tục tra cứu và đăng ký bảo hộ cho 80 đối tượng xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó có 53 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu được cấp/80 đơn đăng ký, chiếm tỷ lệ 66%; 9 đơn đề nghị đăng ký bị từ chối cấp văn bằng, chiếm tỷ lệ 11%; 8 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể đang trong quá trình chờ cấp chứng nhận.

Riêng đối với các sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương, hiện tại đã có nhiều sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể như: Măng cụt, sầu riêng, khoai lang, tiêu, cà phê, xoài, rau củ quả… Trong đó, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng gồm: Nhãn hiệu "Măng cụt Gia Ân", Nhãn hiệu "Sầu riêng Gia Trung", Nhãn hiệu tập thể "Khoai lang Tuy Đức", "Tiêu Đắk Song", "Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận", "Hồ tiêu năm màu Hà Phát".Ngoài ra, một số sản phẩm đã nộp đơn đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng như: Rau Đắk R'lấp, Gà đồi Đắk R'lấp, Cà phê Đắk Mil, Sầu riêng Đắk Mil, Xoài Đắk Mil, Lúa gạo Krông Nô, Khoai lang Đắk Glong. Qua đó, mỗi huyện có 1 đến 3 sản phẩm đặc thù để tiến hành đăng ký bảo hộ.

Người dân áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất rau sạch tại huyện Đắk R'lấp

Nhìn chung, nhận thức của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm nông sản tại địa phương đã ngày càng được nâng cao. Từ đó, một số cá nhân, đơn vị đã sớm tiến hành bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản của mình. Một số sản phẩm sau khi được bảo hộ đã phát triển tốt như: Nhãn hiệu "Tất Thắng" cho sản phẩm đậu nành, đậu phộng của Công ty Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng, xã Tâm Thắng (Cư Jút); Nhãn hiệu "DANO COFFEE" của Công ty Cổ phần XNK An Phong, xã Nâm N'Jang (Đắk Song); Nhãn hiệu "Sầu riêng Gia Trung" của Trang Trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); "Tiêu hữu cơ Đồng Thuận" của Hợp tác xã Hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp); "Tiêu năm màu Hà Phát" của HTX Thương mại Nông nghiệp Thuận Phát, xã Thuận Hà (Đắk Song)… Các sản phẩm này đã phát triển mạnh và mang lại lợi nhuận tăng trưởng hàng năm. Riêng "Tiêu hữu cơ Đồng Thuận" và "Tiêu năm màu Hà Phát" đã thực hiện quy trình hữu cơ để trồng và chăm sóc nên sản phẩm được bán với giá tăng gấp đôi so với thị trường.

Vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản chủ lực

Đắk Nông có nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, đã trở thành thương hiệu nhưng hầu hết vẫn chỉ ở quy mô địa phương hoặc trong tỉnh. So với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh thì số sản phẩm được bảo hộ chưa nhiều, nhất là sản phẩm có thương hiệu lại càng ít. Thời gian qua, sản phẩm nông sản của Đắk Nông nói chung chưa có một quy trình canh tác chuẩn, tình trạng sản xuất manh mún, thiếu liên kết, người dân vẫn canh tác tự phát dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều và không ổn định. Do đó, các sản phẩm nông sản có tính cạnh tranh trên thị trường rất thấp. Việc xây dựng thương hiệu đã khó, nhưng việc giữ và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn, thương hiệu nông sản Đắk Nông đang tồn tại tình trạng một số thương hiệu được đăng ký nhãn hiệu bị lạm dụng, còn một số thương hiệu đang loay hoay tìm đường phát triển, nhiều cá nhân, doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc đăng ký nhãn hiệu, chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển thương hiệu của mình, do đó vẫn hoạt động cầm chừng, chưa phát triển, không vươn xa ra thị trường trong nước và ngoài nước. Muốn thành công, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc thiết kế một logo, hệ thống nhận diện thương hiệu, mà phải liên tục duy trì, thông qua các hoạt động xây dựng và quản trị thương hiệu. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển các thương hiệu cần được đặt trong một chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, xác định trách nhiệm, lợi ích của từng chủ thể tham gia.

Xoài Đắk Mil đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm

Để nông sản Đắk Nông thực sự xây dựng được cả thương hiệu và nhãn hiệu, các ngành các cấp và cả người dân phải cùng chung tay hành động. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về các nội dung của tiêu chuẩn sản xuất sạch, tiêu chuẩn hữu cơ cũng như các tác động của chúng đến ngành nông nghiệp tỉnh. Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hỗ trợ nông dân nhiều hơn trong công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Đặc biệt, bên cạnh việc Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, triển khai thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, UBND tỉnh và các ngành, các cấp tăng cường hỗ trợ, có chính sách ưu đãi các thì các cá nhân, tập thể cũng cần đẩy nhanh việc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương sau khi được bảo hộ, xác lập nhãn hiệu hàng hóa.

Nguyễn Mai