THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Tập huấn quy trình thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt gia đình.
09/09/2016 | 11:00  | View count: 2959

Ngày 9/9/2016, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND xã Quảng Tân huyện Tuy Đức tổ chức lớp tập huấn “Quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt gia đình và quy trình xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón” cho gần 60 học viên là các hộ dân trên địa bàn xã.

Toàn cảnh lớp đào tạo

 

Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn hiện nay đang trở thành vấn đề nổi cộm nhận được nhiều sự quan tâm, ưu tiên giải quyết của chính quyền địa phương. Lượng chất thải rắn từ sinh hoạt nông thôn ngày ngày phát sinh nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường. Theo ước tính, mỗi năm sinh hoạt nông thôn thải ra môi trường trên 10 triệu tấn, đa số trong số rác thải này chưa được thu gom và xử lý đúng quy định. Cùng với các loại chất thải khác từ trồng trọt, chăn nuôi, ảnh hưởng của chất thải từ sinh hoạt nông thôn đến môi trường, hoạt động sản xuất và cảnh quan nông thôn ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi phải có các giải pháp quản lý phù hợp. Thực trạng rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn không được thu gom hợp lý không chỉ làm mất cảnh quan đường làng, ngõ xóm mà còn là các nguồn gây bệnh nguy hiểm.

 

Cán bộ Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ Đắk Nông hướng dẫn bà con quy trình xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón.

 

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được nghe giảng viên giới thiệu một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Hướng dẫn về cách thu gom, phân loại rác thải dễ phân hủy (hữu cơ) tại gia đình và phế thải nông nghiệp, từ đó đưa ra quy trình ủ rác hữu cơ thành phân compost bón cho cây trồng. Đặc biệt, để bà con nắm vững được quy trình, các cán bộ Trung tâm cũng thực hành tại chỗ các công đoạn xử lý rác thải hữu cơ bằng thùng/hố sẵn có.

Các nội dung tại buổi tập huấn đều rất đơn giản và hoàn toàn có thể thực hiện được đối với khả năng của các hộ dân. Việc thực hiện tốt các biện pháp này sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức hành vi và thói quen của mỗi thành viên trong phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cũng như địa phương, góp phần giữ gìn bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, cũng như bảo đảm sức khỏe của người dân giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Phạm Đức