KINH TẾ - XÃ HỘI

Đắk Nông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế xã hội
23/11/2018 | 09:05  | View count: 10275

Công nghệ sinh học (CNSH) là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Với những thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) vượt bậc của nhân loại, từ cuối thế kỷ XX, CNSH từ một ngành khoa học đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao của nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới.

Đối với nước ta, một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển công nghiệp sinh học.

Tại Đắk Nông thời gian qua, công tác phát triển và ứng dụng CNSH của tỉnh đã có bước phát triển mới, góp phần quan trọng thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sức lan tỏa phong trào ứng dụng CNSH trong nhân dân ngày càng rộng rãi, tạo bước đột phá trong sản xuất, đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng CNSH được các doanh nghiệp, người dân mạnh dạn thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần từng bước bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Mặt khác, thị trường các sản phẩm CNSH  bước đầu đã được hình thành, đây là cơ hội để doanh nghiệp, người dân có điều kiện tiếp xúc, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất hoa cúc tại khu nông nghiệp công nghệ cao

Theo đó, lĩnh vực trồng trọt được xem là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua công tác ứng dụng CNSH, các tiến bộ KH&CN để tạo ra, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao ngày càng được người dân quan tâm, đầu tư và bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực như: Ca cao lai F1 nhập từ Malaysia, giống sầu riêng, bơ có triển vọng, sử dụng các giống ngô lai LVN61, lúa lai HYT108, TH3-3, lúa thuần thơm RVT được người dân mạnh dạn đưa vào sản xuất... để tạo ra giống cây trồng sạch bệnh, năng suất cao; việc ứng dụng công nghệ như nuôi cấy mô tế bào thực vật để tạo ra giống cây trồng đảm bảo chất lượng như tiêu, hoa, khoai lang,...bước đầu đã thực hiện có hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu về lĩnh vực trồng trọt như trang trại Gia Trung với sản phẩm sầu riêng hạt lép, mô hình trồng Măng cụt, Bơ ghép của trang trại Gia Ân, Vải ở Krông Nô, nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo ở Gia Nghĩa, Tuy Đức ...

Cùng với việc sử dụng các giống mới có triển vọng vào sản xuất, quá trình sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng cũng được người dân quan tâm hưởng ứng. Nhiều loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới được sản xuất đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng để ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch cung ứng ra thị trường và không gây ô nhiễm môi trường đang được người dân sử dụng rộng rãi. Hiện nay, vấn đề chế biến cũng được chú trọng, trên địa bàn tỉnh một số doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym trong chế biến như: Công nghệ chế biến cà phê ướt, chế biến tiêu trắng, tiêu đỏ, tinh dầu gấc… tạo ra các sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong lĩnh vực chăn nuôi, CNSH được áp dụng thông qua việc ứng dụng rộng rãi phương pháp thụ tinh nhân tạo và bằng các giống bò đực Brahman, Lai Sind ... được triển khai rộng rãi ở các huyện trên địa bàn tỉnh nhằm đưa chăn nuôi bò thành một ngành sản xuất hàng hóa trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi góp phần rất lớn vào bảo vệ môi trường, đặc biệt là tránh các ô nhiễm thứ cấp do động vật trung gian truyền bệnh gây ra; tăng hiệu quả kinh tế được sử dụng một cách khá phổ biến hướng tới sự phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả như công nghệ khí sinh học, xây dựng các hầm biogas để xử lý chất thải ...

Thời gian qua, việc ứng dụng CNSH vào trong lĩnh vực y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng phổ biến. Ngoài ra, công tác bảo tồn các nguồn dược liệu của địa phương đã được quan tâm như các đề tài: Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây Sa nhân tím, mô hình trồng cây hà thủ ô, cây Sâm cau và cây Viễn chí lá nhỏ; sưu tầm các cây thuốc quý tại tỉnh Đắk Nông ... thông qua việc đánh giá, trồng thử nghiệm một số loài dược liệu của địa phương, nhằm bảo tồn những nguồn dược liệu quý, phục vụ cho quá trình nghiên cứu, kết hợp Đông - Tây y đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Mặt khác, tỉnh cũng đã tiến hành hợp tác, liên kết với các Viện nghiên cứu, Trường đại học đã được tiến hành nhằm tiếp thu, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương như: Chương trình hợp tác với Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành... Một số công trình đang triển khai như "Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh"; "Nghiên cứu chuẩn hóa nguồn dược liệu và tạo sản phẩm chức năng có vai trò bảo vệ gan từ cao chiết cây An xoa (Tổ kén-Helicteres sp) tại tỉnh Đắk Nông" …

Mặc dù bước đầu đạt được một số kết quả khá tích cực, song việc ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến khoa học - kỹ thuật, quản lý. Thị trường CNSH mới bước đầu được xác lập, các doanh nghiệp hoạt động về CNSH trên địa bàn tỉnh chưa thành lập, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Đầu tư cho hoạt động ứng dụng CNSH còn thấp, nhất là nguồn đầu tư phát triển tiềm lực, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng triển khai thực nghiệm. Một số thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, cơ chế, chính sách đầu tư và phát triển CNSH chưa đủ mạnh, chưa tạo được động lực cho sự phát triển CNSH và môi trường hoạt động nhằm thu hút được các nhà khoa học đến Đắk Nông công tác, nghiên cứu, chưa tạo điều kiện hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp quan tâm, đủ điều kiện đầu tư ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa CNSH trở thành một trong những động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, đã có không ít giải pháp và mục tiêu đã được tỉnh, ngành chức năng đặt ra, như: Tiếp tục tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các nông sản hàng hóa. Tổ chức sản xuất thực nghiệm, khảo nghiệm và trình diễn các kết quả nghiên cứu, ứng dụng CNSH. Tạo ra phong trào ứng dụng CNSH rộng rãi trong các lĩnh vực... Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên hơn nữa đối với sự phát triển và ứng dụng CNSH trong sản xuất và đời sống. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và ưu đãi cho phát triển ứng dụng CNSH, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng và sử dụng các sản phẩm CNSH. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị cho CNSH. Có cơ chế quản lý, sử dụng có hiệu quả các máy móc thiết bị, các phòng thí nghiệm đã và đang được đầu tư. Chú trọng huy động nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp và người sản xuất cho phát triển CNSH tại địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước để nhanh chóng tiếp thu, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực CNSH, tạo bước chuyển mới trong ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Nguyễn Mai