KINH TẾ - XÃ HỘI

Giáo dục Đắk Nông và cách mạng công nghiệp 4.0
23/11/2018 | 08:07  | View count: 11560

Bên cạnh những tác động lớn lên nền kinh tế thì cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng có ảnh hưởng không hề nhỏ đến ngành giáo dục tỉnh nhà. Cuộc cách mạng này đòi hỏi sự đóng góp năng động, tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu, tự động viên, nhất là óc sáng tạo của mọi người. Gần đây, với sự bùng nổ của dữ liệu, kết quả của việc số hoá và kết nối Internet khắp nơi đang trở thành nền tảng của cách mạng lần thứ 4. Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi giáo dục cũng phải mang tầm 4.0.

Giáo dục, từ 1.0 đến 3.0 vẫn quan tâm nhiều hơn đến việc dạy. Thay vì cầm cuốn sách để đọc chép, thì phát bài giảng trên TV, hoặc ngày nay là đưa bài giảng lên YouTube. Nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỉ 21 chứng kiến những cải cách giáo dục theo đường lối "lấy học trò làm trung tâm", sự tập trung bắt đầu chuyển từ việc "dạy" sang việc "học". Các lớp học đã tương tác nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn, học sinh đã tích cực chủ động nhiều hơn. Nhưng do nhiều nguyên nhân về chi phí, sư phạm, hạn chế về công nghệ nên lớp học vẫn theo dạng một thầy nhiều trò, chung một chương trình.

Công tác quản lý, điều hành từng bước được tin học hoá, số hoá, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển

Ngay sau khi cuộc cách mạng công nghiệm lần thứ 4 bùng nổ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo tỉnh nhà, ngành giáo dục đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chính sách, chương trình hành động để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Toàn ngành tập trung thúc đẩy phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, đào tạo; từng bước trang bị máy tính và các thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục và hoàn thiện kết nối internet băng thông rộng trong toàn ngành. Đến nay, toàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng internet, hơn 5.500 máy tính được kết nối internet phục vụ công tác quản lý và dạy học; 100% các trường THPT có tối thiểu một phòng máy gồm 50 máy tính nối mạng để phục vụ cho giảng dạy; đầu tư cơ sở hạ tầng tối thiểu 2 máy tính và thiết bị ngoại vi cho các trường ở vùng khó khăn để giáo viên có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin và internet.

Tháng 9/2017, ngành đã xây dựng kế hoạch và triển khai giáo dục STEM trong các trường trung học phổ thông, đồng thời tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử. Hiện nay, ngành Giáo dục đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành (VNPT iOffice) và liên thông toàn ngành; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến tuyến mức độ 3, 4; triển khai hệ thống họp, tập huấn chuyên môn qua mạng; thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá; nghiên cứu khoa học để cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh việc khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và dạy học trên các website của Bộ GDĐT, của ngành và hệ thống phần mềm quản lý trường học. Triển khai và sử dụng có hiệu quả các phần mềm như: quản lý trường học SMAS, VnEdu, quản lý kiểm định chất lượng, phần mềm PCGD-XMC, trường học kết nối, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý tài sản, nhân sự, quản lý xét tốt nhiệp THCS, xét tuyển sinh vào lớp 10, nghề phổ thông, thi học sinh giỏi các cấp và triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục tại địa chỉ http://csdl.moet.gov.vn.

Kết quả triển khai các nhiệm vụ và giải pháp tăng cường tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Hằng năm, qua phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm và nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã đưa ra nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong công tác hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ năm học, gắn với việc tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác nghiên cứu khoa học của học sinh, việc tổ chức Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh góp phần khơi dậy tiềm năng sáng tạo của học sinh, đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên trực tuyến trên môi trường mạng, thường xuyên cập nhật nội dung các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.

Về cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đang dần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, sử dụng hệ thống công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, thiết thực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Thực hiện lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, đề án, dự án hiện có kết hợp với thuê dịch vụ công nghệ thông tin và xã hội hóa.

Các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng lần thứ 4

Tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo lĩnh vực ngành, địa phương.

Trên cơ sở các chính sách tài chính, khả năng cân đối của ngân sách, ban hành các cơ chế tài chính khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 687/QĐ-UBND ngày 25/4/2017 về kế hoạch triển khai Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025" trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Ngọc Linh