KINH TẾ - XÃ HỘI

Nâng cao nhận thức, phòng, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế
24/10/2018 | 07:33  | View count: 11625

Thời gian gần đây, một số bệnh truyền nhiễm như tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy… có xu hướng gia tăng số người mắc bệnh. Để ngăn ngừa sự lây lan và bùng phát thành dịch, bên cạnh công tác tuyên truyền, giám sát, phòng, chống bệnh tại cộng đồng, việc phòng ngừa nguy cơ lây bệnh chéo tại các cơ sở y tế là điều hết sức cần thiết.

Bệnh nhi được thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Lo chữa khỏi bệnh này lại mắc phải bệnh kia

Chị Nguyễn Thị Tân ở thị trấn Đức An (Đắk Song) có con mắc bệnh tay-chân-miệng. Mọi người khuyên chị đưa con lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám, điều trị nhưng chị vẫn quyết định điều trị cho con ngay tại địa phương. Chị Tân cho biết: "Theo tôi được biết, với các triệu chứng thông thường, con tôi có thể điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Lên bệnh viện tuyến trên vừa xa xôi, tốn kém lại dễ mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác".

Thực tế cho thấy, không phải ai cũng có suy nghĩ và sự lựa chọn như chị Tân. Hiện nay, điều kiện kinh tế được cải thiện, lại ít con, nên nhiều gia đình đã lựa chọn các bệnh viện tuyến trên để được thăm khám. Bên cạnh đó, do chất lượng khám, chữa bệnh tại địa phương chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân nên hàng năm, số lượng người vượt tuyến có xu hướng tăng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh truyền nhiễm diễn biến rộng và dễ biến chứng.

Chị Nguyễn Thị Hoài Sương ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) có con mắc bệnh viêm phổi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng II (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Mỗi lần mắc bệnh, tôi đều mang con đến các bệnh viện ở thành phố để khám, điều trị. Nói thật, điều trị ở bệnh viện tuyến trên tuy yên tâm về chất lượng nhưng lại nơm nớp lo sợ nguy cơ lây nhiễm chéo bởi bệnh nhân ở đây rất đông lại có nhiều loại bệnh khác nhau. Tôi chỉ lo mình chữa khỏi bệnh này lại mắc phải bệnh kia".

Ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vào những tháng cao điểm, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh khá đông; trong đó có nhiều bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như tay-chân-miệng, sởi, thủy đậu, sốt xuất huyết… Theo các bác sĩ công tác tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, cơ sở y tế vừa là nơi phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhưng đồng thời cũng là nơi có thể lây nhiễm nhiều loại bệnh khác nhau. Bởi trong điều kiện thời tiết nắng nóng, lượng người tập trung đông cùng rất nhiều loại bệnh khác nhau nên tạo môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn dễ dàng phát triển và phát tán trong không khí.

Vì vậy, lắm lúc các bệnh nhân lúc đầu chỉ bị các bệnh thông thường như viêm hô hấp, tiêu chảy, sốt nhưng sau khi vào viện, nhất là trong điều kiện có dịch bệnh gia tăng sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm chéo một số bệnh truyền nhiễm khác.

Cần điều trị bệnh đúng tuyến

Nhằm ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm chéo, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế áp dụng các biện pháp tổng hợp, phân luồng bệnh nhân ngay từ khoa khám bệnh, hạn chế tối đa sự tiếp xúc của bệnh nhân với những đối tượng khác. Công tác khử khuẩn môi trường cũng như tuyên truyền, hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân biết cách phòng tránh nguy cơ lây bệnh cũng được chú trọng.

Theo đó, tại các cơ sở y tế, tất cả các khu vực đều được tăng cường khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên các thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Các buồng bệnh phải được bố trí bảo đảm sự thông thoáng, hợp lý. Trong công tác chăm sóc bệnh nhân, các y, bác sĩ phải đeo khẩu trang và sử dụng dụng cụ phòng hộ bảo đảm an toàn, rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi thăm khám.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, một số bệnh truyền nhiễm như sởi, Rubella, tay-chân-miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết…là những bệnh thông thường, phác đồ điều trị đơn giản, có thể chăm sóc tốt ở tuyến dưới. Vì vậy, người dân cần điều trị đúng tuyến, không nên chuyển lên tuyến trên để tránh tình trạng "quá tải" bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm chéo. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng bệnh truyền nhiễm lây lan rộng trong cộng đồng.

 

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, một số bệnh truyền nhiễm như sởi, Rubella, tay-chân-miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết… là những bệnh thông thường, phác đồ điều trị đơn giản, có thể chăm sóc tốt ở tuyến dưới. Vì vậy, người dân cần điều trị đúng tuyến, không nên chuyển lên tuyến trên để tránh tình trạng "quá tải" bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm chéo.

 

Theo Đắk Nông Online