KINH TẾ - XÃ HỘI

Hội thảo xác định lại tên dân tộc M’ Nông
28/09/2016 | 22:16  | View count: 2374

Ngày 26/9/2016, Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông phối hợp với Viện Ngôn ngữ học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Về việc nghiên cứu xác định lại tên dân tộc Mnông”.

Hội thảo đã thông qua Báo cáo đề dẫn, do PGS.TS Đoàn Văn Phúc – Viện Ngôn ngữ học Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày, cùng với các bài tham luận, ý kiến của các nhà khoa học và các thành viên tham gia Hội thảo. Trên cơ sở khoa học và tính cấp thiết của việc nghiên cứu xác định lại tên dân tộc M'nông, Hội thảo đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề đang đặt ra cần có quan điểm nhất quán, nhằm xác định chính xác tên gọi của dân tộc Mnông để tư vấn cho Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, xem xét đề xuất với Chính phủ để xác định đúng tên gọi dân tộc M'nông.

Theo số liệu thống kê năm 2013, dân tộc M'nông trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có khoảng 44.367 người, chiếm gần 39% dân số người Mnông của cả nước; 8,25% dân số, 25,74% dân tộc thiểu số của tỉnh và được phân bố ở 115 bon thuộc 8 huyện, thị xã. Dân tộc Mnông gồm nhiều nhóm địa phương khác nhau: Bu Nông Nong, Preh, Bu-đâng, Di Bri, Biat, Gar, Chil, vv…

Nghiên cứu xác định tên gọi và cách viết tên dân tộc theo các nhóm địa phương của dân tộc M'nông khá đa dạng và có những sự lẫn lộn nhất định. Đồng bào dân tộc M'nông có nguyện vọng được gọi đúng tên của dân tộc mình, nó phù hợp với  Điều 42, Chương II của Hiến pháp 2013 về quyền xác định dân tộc của công dân.

Từ luận cứ khoa học và những vấn đề thực tiễn đặt ra, Hội thảo cơ bản thống nhất đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, nghiên cứu để xác định tên gọi cho đúng với ngôn ngữ của dân tộc M'nông là Bu Noong.

Việc Hội thảo xác định lại tên gọi dân tộc M'nông có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, thể hiện công dân có quyền xác định dân tộc của mình, góp phần giải quyết tốt mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa trong tên dân tộc; xây dựng quyền bình đẳng giữa các dân tộc; đáp ứng nguyện vọng, ý thức tự giác dân tộc, ổn định tư tưởng của người M'nông; góp phần xây dựng và triển khai các chính sách dân tộc, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, ở các giai đoạn cụ thể; đồng thời góp phần tích cực vào việc xây dựng lại Danh mục các thành phần dân tộc ở nước ta hiện nay theo tinh thần Nghị định 60/2008/NĐ-CP, ngày 09/5/20008 của Chính phủ về Điều tra, nghiên cứu xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc thiểu số và xây dựng bản Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam trong phạm vi cả nước nói chung, tỉnh Đăk Nông nói riêng.

Đoàn Văn Kỳ  (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đăk Nông)