AN NINH - QUỐC PHÒNG

Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp
Ngày đăng 09/05/2020 | 14:54  | View count: 22061

Sáng 9/5/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó dịch Covid-19. Hội nghị được tổ chức tại 96 điểm cầu trên cả nước và truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Quang cảnh Hội nghị tại tỉnh Đắk Nông

Tham dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Nguyễn Bốn phó Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí là lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thểvà 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu lắng nghe khó khăn và trưng cầu giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp, hội nghị dành thời gian đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng, bộ, ngành ban hành.

Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong số 130.000 doanh nghiệp được khảo sát thì có 86% cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch, 58% doanh nghiệp bị giảm mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm và 45% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh.

Về tổng hợp kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, đánh giá mức độ hấp thụ chính sách, theo Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có 55% doanh nghiệp cho biết duy trì tăng trưởng trong Quý III, 21% doanh nghiệp cho biết sẽ thu hẹp sản xuất. Doanh nghiệp đề xuất miễn, giãn, giảm phí thuế, thúc đẩy nhanh các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng sẽ nghe báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp đánh giá chung về tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh; đánh giá khả năng hấp thụ các chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và ứng phó với dịch Covid-19 trong thời gian qua; đồng thời, ghi nhận những vấn đề phát sinh, những vướng mắc của các doanh nghiệp trong thực tiễn triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành để đưa ra những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất.   

Quang cảnh Hội nghị tại tỉnh Đắk Nông

Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá các cơ hội và triển vọng phục hồi của các ngành, lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh mới ở thời kỳ trước, trong và sau dịch Covid-19. Qua đó, khuyến khích các doanh nghiệp tái cấu trúc mô hình hoạt động, tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ và nâng cao năng lực quản trị để phát huy các sở trường, thế mạnh, không chỉ nhằm thích ứng với hoàn cảnh và ứng phó linh hoạt với dịch bệnh mà còn tận dụng thời cơ để bứt phá, vươn lên hướng tới sự phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ hơn cho nền kinh tế.

Tại tỉnh Đắk Nông ảnh hưởng Covid-19 đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gây khó khăn trong tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bị đình trệ, hàng hóa tồn kho, nguồn thu giảm sút, không có khả năng trả nợ ngân hàng, không có vốn để tiếp tục thu mua nông sản của nông dân theo các hợp đồng đã ký kết; sức mua thị trường giảm, nhưng tất cả các chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp lại tăng; việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp một số hạn chế nhất định, nhất là đối với việc đặt hàng của các cơ sở nhỏ, lẻ tại các tỉnh, thành phố khác về tỉnh Đắk Nông…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao công tác phòng, chống dịch  Covid - 19 của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Sau 23 ngày Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, chưa có người tử vong vì Covid - 19, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Về phát triển kinh tế, Thủ tướng nhận định: Trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực như những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn. Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần "chống dịch như chống giặc", còn giờ đây, tinh thần "chống trì trệ như chống dịch" cần phải được thúc đẩy. 

Các bộ, ngành, phải xắn tay vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc, một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, một tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, một tinh thần dựa vào sức mạnh của gần 100 triệu dân. Đặc biệt, phải có kết quả cụ thể, không nói suông, không nói rồi để đó, thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển...

Song Thư

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 3
Tổng: 0