Tổng quan về Đắk Nông
Chương trình đề tài khoa học
Những ngày cuối năm âm lịch, tỉnh Đắk Nông đã đăng cai tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, thu hút đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ từ các tỉnh, thành trong nước về dự.
Mỗi người với những trang phục thổ cẩm mang đậm màu sắc dân tộc đã làm cho đường phố Gia Nghĩa thêm rộn ràng, rực rỡ. Đặc biệt, sự thân tình, mến khách của người dân Đắk Nông đối với bạn bè gần xa đã góp phần cho lễ hội thành công tốt đẹp.
Đường phố Gia Nghĩa rợp sắc màu thổ cẩm các dân tộc |
Trước khi tham gia Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, nghệ nhân Y Blu Adrơng (Đắk Lắk) vẫn chưa một lần được đặt chân đến thị xã Gia Nghĩa. Trong suy nghĩ của ông, Đắk Nông nói chung, Gia Nghĩa nói riêng chỉ là vùng đất nhỏ, sinh sau đẻ muộn nên cơ sở vật chất, đường sá chưa phát triển. Thế nhưng, trên đường từ Đắk Lắk xuống Gia Nghĩa, đi qua các huyện nằm trên tuyến quốc lộ 14, nghệ nhân Y Blu Adrơng mới thấy Đắk Nông đẹp hơn, hiền hòa hơn rất nhiều so với sự hình dung trước đó. Sau 3 ngày tham gia lễ hội, ông đã có dịp gặp gỡ, nói chuyện và tìm hiểu về Gia Nghĩa-Đắk Nông và nhận thấy, không chỉ là vùng đất đẹp mà con người cũng rất thân tình, gần gũi.
Nghệ nhân Y Blu Adrơng cho biết: "Đúng là có đi mới biết, Đắk Nông đang trên đà phát triển nhanh, đường sá đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất cũng được đầu tư tương xứng, tràn đầy sinh lực. Mặc dù so với Đắk Lắk có sự phát triển lâu đời, Đắk Nông chưa thể bằng, nhưng tôi tin rằng, với sự quan tâm của chính quyền, đầu tư của Nhà nước, trong tương lai, Đắk Nông sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Qua chuyến đi này, tôi lại càng mong muốn sẽ sớm được trở lại Đắk Nông. Lần sau, tôi sẽ đến đây không phải tư cách của nghệ nhân tham gia lễ hội mà là đi khám phá, tìm hiểu về vùng đất, con người, để hiểu thêm về nét đẹp, truyền thống của địa phương".
Lễ hội đường phố thu hút nhiều nghệ nhân các dân tộc tham gia |
Tương tự, lần đầu tiên, nghệ nhân Hà Thị Dung ở Thanh Hóa đến Đắk Nông, những lạ lẫm, ngại ngùng khi mới đặt chân đến đã được thay thế bằng tình cảm ấm áp như chính những người thân trong gia đình. Bà Dung kể, bà là dân tộc Thái, nên mang đến Lễ hội những sản phẩm được làm từ chất liệu thổ cẩm của dân tộc mình. Khách đến tham quan gian hàng không chỉ có người Thái mà có cả người Kinh mua vải dệt, khăn piêu…để làm kỷ niệm, quà tặng. Đặc biệt, nhiều bà con dân tộc Thái dù ở xa như Krông Nô vẫn đến tham quan, ủng hộ.
Theo bà Dung, trước đây, bà chỉ nghe kể về Đắk Nông từ những bà con hàng xóm sinh sống trong này hoặc qua báo, đài. Biết vậy thôi chứ không phải là những dấu ấn sâu để đủ nhớ về Đắk Nông. Vậy mà, khi trực tiếp đến đây, bà thấy Đắk Nông không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên mà còn đẹp về lòng hiếu khách. Ba ngày ở đây, bà không cảm thấy mình là khách mà là người thân của đại gia đình này. Bà cũng rất tiếc, do đường xa, không thể mang được đầy đủ các sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình vào lễ hội để giới thiệu, quảng bá cho du khách. Bà mong một ngày không xa sẽ vào hoặc phối hợp để mở một gian hàng về thổ cẩm người dân tộc Thái ở Đắk Nông.
Bà Dung cho biết: "Đường xa mệt thì có mệt, nhưng thấy bà con ở đây rất gần gũi, niềm nở, nhất là biết mình ngoài Bắc vô nên hỏi han, giúp đỡ, chia sẻ rất nhiều, thế là mệt mỏi như được xua tan. Tôi thấy, 15 năm đã phát triển thế này thì chắc chắn trong tương lai không xa, Đắk Nông sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đời sống người dân sẽ ngày càng nâng cao, các loại hình dịch vụ cũng sẽ phong phú, đa dạng hơn".
"Người dân Đắk Nông mến khách, dễ gần, dễ làm quen và đoàn kết" là suy nghĩ của nghệ nhân Hồ Văn Hồi khi nói về Đắk Nông |
"Người dân Đắk Nông mến khách, dễ gần, dễ làm quen và đoàn kết" là suy nghĩ của nghệ nhân Hồ Văn Hồi đến từ Quảng Trị khi nói về Đắk Nông. Lần đầu tiên được đến Đắk Nông trong khuôn khổ lễ hội, ông cũng không khỏi lo lắng, hồi hộp. Vậy mà khi đặt chân đến mảnh đất này, dù thời tiết se lạnh, nhưng bằng sự ấm áp của tình người, ông không còn lo lắng mà tập trung hoàn thành công việc. Tranh thủ lúc rảnh, giờ nghỉ, ông lại lân la hỏi chuyện, tìm hiểu về Gia Nghĩa-Đắk Nông. Ba ngày, những cuộc trò chuyện chỉ diễn ra chớp nhoáng, những lời tâm sự có thể còn dang dở, nhưng chừng đó cũng đã phần nào giúp ông có nhiều câu chuyện hay để về quê kể cho gia đình, bà con hàng xóm về Đắk Nông để thêm yêu, thêm quý, mảnh đất 15 năm tuổi này.
Thân tình, ấm áp, gần gũi như người trong một nhà là cảm nhận, suy nghĩ chung của các nghệ nhân, du khách khi đến Đắk Nông tham dự Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I. Chia tay lễ hội, mỗi người tiếp tục trở về với người thân, quê hương của mình. Tin chắc rằng, vùng đất, con người Đắk Nông giàu truyền thống anh hùng và lòng mến khách sẽ luôn ở trong tâm khảm của bạn bè gần xa, níu kéo được nhiều bước chân quay trở lại để chứng kiến sự đổi thay, bước chuyển mình mạnh mẽ trong tương lai không xa.
Theo Đắk Nông Online