Tổng quan về Đắk Nông
Chương trình đề tài khoa học
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa phát hành bộ tem “Công viên địa chất toàn cầu” gồm 3 mẫu tem nhằm giới thiệu những giá trị và nét đẹp đặc trưng của các công viên địa chất toàn cầu UNESCO tại Việt Nam.
Bộ tem có khuôn khổ 46 x 31 mm do họa sĩ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 30/10/2021 đến ngày 30/6/2023.
Mẫu tem thứ nhất giới thiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn nơi được UNESCO vinh danh năm 2010. Công viên này nằm ở vùng núi cực Bắc của Việt Nam, có diện tích 2.356,8 km² và độ cao trung bình khoảng 1.400 - 1.600 m. Cao nguyên là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái đất.
|
Mẫu thứ hai giới thiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, nơi được UNESCO vinh danh năm 2018. Công viên có diện tích hơn 3.275 km2 nằm tại vùng đất địa đầu của Việt Nam thuộc tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc của Việt Nam như Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chay. Vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Pác Bó và Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950.
|
Mẫu thứ ba giới thiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, nơi được UNESCO vinh danh năm 2020. Công viên có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Công viên có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước... Đây là nơi có hệ thống hang động núi lửa độc đáo, đồ sộ nhất Đông Nam Á. Đặc biệt, nhiều dấu tích cư trú của người tiền sử có niên đại hàng chục ngàn năm đã được tìm thấy trong các hang động này.
|
Theo Báo Đắk Nông Điện tử