Tổng quan về Đắk Nông
Chương trình đề tài khoa học
Công viên địa chất Đắk Nông được thành lập vào năm 2015 với diện tích 4.760km2, ranh giới trải dài trên 06 huyện, thành phố là: Krông Nô, Cư Jut, Đăk Mil, Đăk Song, Đăk G’long và Gia Nghĩa. Với những giá trị di sản đặc sắc mang tầm quốc tế, Công viên địa chất Đắk Nông đã được Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO vào tháng 7/2020.
Là một danh hiệu cao quý của UNESCO, Công viên địa chất chứa đựng, liên kết trong mình các giá trị di sản: địa chất, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học... Bên cạnh mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản; nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò và giá trị của ngành khoa học Trái Đất, giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ và khai thác bền vững các loại hình di sản, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO còn đề ra một mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao đời sống cộng đồng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững, thông qua hoạt động du lịch.
CVĐCTC UNESCO Đắk Nông hướng đến phát triển kinh tế, thông qua hoạt động du lịch
CVĐCTC UNESCO Đắk Nông mới được chính thức công nhận vào năm 2020, nhưng trước đó, những thông tin hấp dẫn về việc phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á và 44 điểm di sản đã được quy hoạch... là những chất "xúc tác" hết sức hấp dẫn để thu hút du khách và các nhà đầu tư tiềm năng đến với vùng đất này.
Minh chứng rõ nét nhất là số lượng các dự án phát triển du lịch - dịch vụ đầu tư vào tỉnh ngày một tăng. Đáng chú ý phải kể đến một số dự án như: Dự án Khu nghỉ dưỡng và Thiền Hiểu về trái tim tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (Công ty Cổ phần du lịch Hiểu về trái tim), Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R'tíh (Công ty cổ phần Tập đoàn T&T)… Ngoài ra, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Tà Đùng đã đề xuất UBND tỉnh cho phép triển khai một số dự án phát triển du lịch như Dự án Khu đô thị sinh thái Đắk Nia, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Liêng Nung, Dự án Khu du lịch tổng hợp Tà Đùng với tổng số vốn đầu tư khoảng 9,5 nghìn tỉ đồng.
Lượng khách du lịch đến tỉnh cũng tăng qua các năm, từ 17.000 lượt (năm 2014) tăng lên 385.000 lượt (năm 2019). Bên cạnh đó, hình ảnh và con người Đắk Nông cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn của các phương tiện thông tin trong và ngoài nước.
Đặc biệt, với việc phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh Đăk Nông đã từng bước thúc đẩy phát triển ngành du lịch - dịch vụ, song song với định hướng phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Việc thành lập CVĐC Đăk Nông rộng tới 4.760km2, bao gồm cả 6 huyện, thành phố cho thấy chủ trương của chính quyền địa phương trong việc phát triển kinh tế du lịch thông qua việc bảo tồn và phát huy các tài nguyên du lịch đặc trưng của địa phương.
Mở ra các cơ hội sinh kế mới trong lĩnh vực du lịch
Công viên địa chất toàn cầu được xem là bệ phóng cho sự phát triển, là nơi gìn giữ, nuôi dưỡng và thúc đẩy các ngành nghề sản xuất địa phương, các ngành nghề gia đình, tiểu thủ công... Chính vì thế, khi đạt được danh hiệu công viên địa chất toàn cầu, một số làng nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm… của đồng bào các dân tộc Mạ, M'nông, Ê đê…trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đã được "tái sinh"; Các mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương như cà phê, tiêu, mắc ca, bơ, nghệ… được tăng giá trị khi các hộ gia đình, đơn vị sản xuất đăng ký trở thành đối tác của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, sau khi đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn đạt ra.
Mặt khác, với nhu cầu phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới, sẽ cần thêm rất nhiều dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận chuyển...; Nhu cầu về nguồn nhân lực cũng ngày một tăng. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho và khả năng cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương thông qua hoạt động du lịch.
Tăng cường hội nhập, quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Đắk Nông ra quốc tế
Việc UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đắk Nông, mà còn là vinh dự, tự hào lớn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng đến với bạn bè quốc tế.
Trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ, tỉnh Đắk Nông sẽ có thêm nhiều lợi thế khi trở thành một trong 169 CVĐC thành viên thuộc 44 quốc gia của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO. Với đa dạng các hoạt động giao lưu, hợp tác như: Hội nghị quốc tế CVĐCTC, Hội nghị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, hội chợ, các lớp tập huấn, cuộc thi, các hình thức kết nghĩa... sẽ giúp tỉnh Đắk Nông tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị, tình đoàn kết quốc tế với các nước trên thế giới và góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Đắk Nông đến với bạn bè quốc tế.
Góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản, giáo dục lòng yêu thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường sống
Bên cạnh việc phát triển kinh tế bền vững thông qua hoạt động du lịch, việc nâng cao nhận thức về di sản, giáo dục lòng yêu thiên nhiên, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng địa phương cũng là một trong 3 mục tiêu hướng đến của một công viên địa chất toàn cầu. Do đó, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ này. Hằng năm, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông định kỳ tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, các cuộc thi và các chuyến đi thực địa để người dân, đặc biệt là các em học sinh, thêm hiểu và tự hào về các giá trị di sản của địa phương.
Hình thức tuyên truyền cũng rất phổ biến và đa dạng. Ngoài các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thống (đài phát thanh, báo, tạp chí, tờ rơi, bảng biển thuyết minh, cẩm nang…), CVĐCTC UNESCO Đắk Nông cũng tích cực tương tác với người dân và du khách thông qua website và các mạng xã hội phổ biến như Facebook,… Qua đó, các giá trị di sản của CVĐC Đăk Nông ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ những giá trị di sản chung của cộng đồng.
Không những thế, tỉnh Đăk Nông đã triển khai nhiều dự án nghiên cứu giảm nhẹ hậu quả những tai biến địa chất như lũ quét, sạt lở đất, nguy cơ xói mòn đất, hạn hán và các biểu hiện khác của biến đổi khí hậu; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hành những giải pháp ứng xử thân thiện với môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống và không gian du lịch của địa phương.
Bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản để gìn giữ không gian du lịch của địa phương
Một lợi ích rõ nét nhất có thể dễ dàng thấy được trong giai đoạn hình thành và xây dựng công viên địa chất chính là, nhờ có hoạt động điều tra, nghiên cứu, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện thêm được nhiều di sản địa chất, nhiều tri thức bản địa về di sản địa chất và mối quan hệ hữu cơ giữa chúng với các loại hình di sản khác. Từ các miệng núi lửa, hệ thống các hang động, các điểm địa chất đến cách lý giải về nguồn gốc những địa điểm này qua các câu truyện cổ, truyền thuyết của người bản địa dưới góc nhìn đa thần, đa tín ngưỡng…đã tạo nên những bức tranh văn hóa độc đáo, đa sắc màu, tạo tiền đề cho ngành du lịch địa phương khởi sắc.
Đáng chú ý, trước khi các di sản địa chất được điều tra, nghiên cứu, UBND tỉnh đã cấp phép thăm dò, khai thác và sản xuất thử xi măng puzơlan tại khu vực núi lửa Nâm Kar. Rất may là sau khi có CVĐC Đăk Nông, nhờ khuyến cáo của các nhà khoa học, UBND tỉnh đã ngưng cấp phép cho hoạt động khai thác này và góp phần giữ lại cho thế hệ mai sau một di sản địa chất quý hiếm.
Ngay sau đó, tỉnh Đăk Nông cũng đã ban hành quy định về việc bảo vệ, cấm xâm hại các điểm di sản địa chất bên cạnh những quy định hiện hành về bảo vệ các di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh... để bảo tồn và phát huy tổng thể, hài hòa các giá trị di sản của vùng. Điển hình nhất là chọn lọc đầu tư sau khi phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa có nhiều tiềm năng khai thác du lịch. Tuy có 50 hang động đã được điều ra, đo vẽ nhưng đến nay, tỉnh Đắk Nông chỉ mới cho phép khai thác các hoạt động du lịch tại duy nhất một hang (C3) đã được đánh giá mức độ an toàn. Điều này chứng tỏ rằng, các giá trị di sản địa chất đã được trân trọng, gìn giữ chứ không kêu gọi đầu tư theo hướng dàn trải, không kiểm soát như trước.
Bên cạnh đó, với định hướng trở thành "Xứ sở của những Âm điệu", Công viên địa chất Đắk Nông đã thiết kế ba tuyến du lịch mang đậm chất nhạc (Trường ca của Lửa và Nước, Bản giao hưởng của Làn gió mới, Âm thanh từ Trái đất) nhằm kết nối, làm tăng giá trị các điểm di sản và tạo ra nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách trên hành trình khám phá CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Và còn đó nhiều khó khăn, thách thức…
Có thể nói, danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã góp phần nâng cao vị thế trong nước và quốc tế của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, đạt được danh hiệu cao quý này đã khó, việc giữ vững và phát triển danh hiệu này qua các lần tái thẩm định của UNESCO lại càng khó hơn. Để làm được điều đó, cần nhận thức rõ được một số khó khăn, thách thức mà CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đang phải đối mặt.
Thứ nhất, thuật ngữ "Công viên địa chất" là một cụm từ mà nhiều người nhầm tưởng rằng, mô hình này giống với các công viên giải trí thông thường tại các thành phố lớn của nước ta. Đặc biệt, du lịch địa chất lại là một loại du lịch hướng đến thị trường ngách, không phải loại hình du lịch phổ thông mà ai cũng có thể nhìn thấy được vẻ đẹp và nét độc đáo của những điểm đến này.
Mặt khác, bản thân tỉnh Đắk Nông không có được những danh lam thắng cảnh "làm say đắm lòng người" có thể "tự thân" thu hút được du khách. Do đó, việc truyền tải thông điệp và kết nối các giá trị điểm đến, tạo nên một câu chuyện, một chủ đề riêng nhằm tái kết nối du khách về lại với những giá trị ‘thuần khiết" của Mẹ Tự nhiên là một hướng đi riêng mà tỉnh Đắk Nông cần chú trọng để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù.
Thứ hai, dựa vào loại hình du lịch này, nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh (chủ yếu là các di sản địa chất như mặt cắt thể hiện các pha phun trào, điểm tiếp xúc dung nham, cát kết, điểm gỗ hóa thạch…) đang có nguy cơ bị mất đi do hiện tượng sói mòn, rửa trôi vào mùa mưa. Mặt khác, hầu hết các điểm di sản địa chất hiện nằm trên các diện tích canh tác nông nghiệp truyền thống của người dân địa phương. Với truyền thống du canh du cư, đốt nương làm rẫy và trình độ văn hóa, nhận thức về di sản địa chất, công viên địa chất còn chưa đầy đủ đã và đang dẫn đến tình trạng xâm hại di sản một cách vô thức.
Ngoài ra, tỉnh Đăk Nông hiện có 20 dự án thủy điện lớn nhỏ, được cấp phép và vận hành từ trước khi có công viên địa chất. Ngoài một số lợi ích như sinh điện năng, tạo hồ chứa góp phần điều tiết nước, thêm địa điểm tham quan..., chúng ít nhiều cũng tác động tiêu cực đến vùng hạ lưu, trong đó có một số thác nước thuộc phạm vi công viên địa chất. Nhận thức rõ những tác động tiêu cực đó, chính quyền và cộng đồng địa phương cũng đang triển khai một số biện pháp khắc phục như phục hồi diện tích rừng, yêu cầu các nhà máy thủy điện có chế độ vận hành hợp lý, đảm bảo dòng chảy môi trường... Tuy nhiên, sự kiện này cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh.
Thác nước trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Ảnh: Võ Anh Tú |
Thứ ba, với danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông sẽ trở thành điểm đến mới, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đồng thời với đó cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh từ những trung tâm du lịch truyền thống như Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng), Tp. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Tp. Phan Thiết (Bình Thuận), Tp. Hồ Chí Minh... Hầu hết những trung tâm này đều có cơ sở hạ tầng tốt hơn, có sân bay quốc nội hoặc quốc tế, có kinh nghiệm làm du lịch và có những danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa đặc sắc.
Chính vì thế, làm du lịch dựa trên những đặc trưng riêng và duy nhất là chìa khóa để CVĐCTC UNESCO Đăk Nông ghi dấu ấn của ngành du lịch địa phương lên bản đồ du lịch Việt Nam. Với những trải nghiệm độc đáo, khác biệt tại "Xứ sở của những Âm điệu", tại các núi lửa và hệ thống hang động núi lửa, những tuyến tham quan đi kèm với các hoạt động khám phá, tìm hiểu, giáo dục và những mặt hàng nông sản, lưu niệm uy tín, chất lượng,… đặc biệt là sự hội nhập quốc tế, sẽ là những yếu tố đảm bảo cho sự thành công của CVĐCTC UNESCO Đăk Nông.
Trần Nhị Bạch Vân