Chương trình đề tài khoa học

Lễ cúng thần rừng của người Mạ
Ngày đăng 06/11/2018 | 09:43  | View count: 75780

Mới đây, được sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng, đồng bào Mạ ở bon B'Năm Prăng Răh, xã Đắk P'lao (Đắk Glong) đã trọng thể tổ chức Lễ cúng thần rừng để cảm tạ thần linh đã che chở, bảo vệ, giúp cho mùa màng tươi tốt bội thu và cầu mong bon làng ngày càng giàu mạnh.

Già làng K'Krang chuẩn bị mâm lễ vật để cúng thần rừng

Được xem là một trong những lễ hội lớn của đồng bào, nên bà con được hỗ trợ toàn bộ kinh phí để tổ chức và mọi nghi thức đều được tiến hành theo đúng phong tục, gồm các nghi thức truyền thống như: Nghi lễ xin phép, nghi lễ dựng cây nêu, nghi thức gieo hạt... Địa điểm diễn ra lễ cúng là khu vực rừng thiêng nằm cạnh chân thác C'roah của bon B'Năm Prăng Răh. Dù con đường vào khu hành lễ rất khó khăn, phải di chuyển bằng xe cày nhưng bà con trong bon và ở các vùng lân cận cũng có mặt đông đủ để tham dự lễ cúng.

Lễ cúng thần rừng là một trong những lễ hội có quy mô lớn, được tổ chức 3 năm hoặc 5 năm một lần sau khi thu hoạch mùa màng nhằm tạ ơn thần linh. Trước hôm lễ cúng diễn ra, thanh niên trai tráng trong bon vào rừng chọn cây lồ ô thật đẹp để làm nêu; những cây tre thật chắc làm dàn cột dê. Cánh phụ nữ thì lo nấu ăn, chuẩn bị đồ cúng. Già làng thì chọn địa điểm rất kỹ, sau đó xin phép thần rừng và các thần linh khác cho bon làng tổ chức lễ cúng.

Lễ cúng nhằm cảm tạ thần rừng đã che chở, bảo vệ dân làng

Đêm trước nghi thức chính thức, thanh niên trong bon đã thức trọn đêm để chuẩn bị các vật dụng cho ngày hôm sau. Chủ khách cùng nhau đánh cồng chiêng, thổi m'buốt… Bên ánh lửa bập bùng, bà con kể cho nhau nghe những truyền thuyết xung quanh khu rừng thiêng.

Diễn tấu cồng chiêng, thổi M'buốt, múa xoang là hoạt động diễn ra xuyên suốt buổi lễ

Vào sáng hôm sau, vào ngày chính lễ, các nghi thức của Lễ cúng thần rừng diễn ra khá trang trọng. Lễ vật cúng gồm: 1 con dê, 1 đầu heo, 2 con gà, 1 con vịt, 1 chén nước, 1 chén rượu,  1 dĩa xôi, 7 ché rượu cần, 1 nia đựng vòng đồng và chuỗi cườm. Tất cả được đặt dưới chân của cây nêu. Đến giờ hành lễ, già làng K'Krang cắt tiết gà - con vật hiến sinh, rồi dùng tiết gà bôi lên cột lễ và hòa vào với rượu để cúng thần nước, thần rừng.

Lời cúng như sau: "Ơ thần suối, thần rừng, thần suối Đắk Glong, thần sông Đồng Nai!. Hôm nay, ngày lành tháng tốt, bon chúng tôi tổ chức cúng. Đây là cơm lam, đây dê đực, đây gà trống... mời các vị thần về tham dự và phù hộ cho bon làng luôn ấm no, hạnh phúc, con cháu bình an khỏe mạnh. Xin hãy ban phúc cho con trai, con gái sức khỏe phi thường, con cái chăm ngoan học giỏi, ông bà cha mẹ sống lâu trăm tuổi, cá tôm sinh sôi nảy nở, gà vịt đầy sân, trâu bò đầy chuồng…". Cuối cùng, già làng mời mọi người uống rượu cần, ăn đồ lễ, trao vòng sức khỏe và tiến hành nghi thức gieo hạt, trồng rừng…

Già làng mời khách dùng đồ lễ

Trong không khí thiêng liêng, Lễ cúng thần rừng được tổ chức một cách trang trọng, đúng với nghi thức truyền thống. Già K'Siêng ở bon B'Năm Prăng Răh phấn khởi: "Bà con rất vui mừng khi được chính quyền các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ để có thể tổ chức Lễ cúng thần rừng một cách ý nghĩa. Qua đó, bà con, bon làng càng thêm gắn bó, thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống". Bà H'Jang đến từ bon Phi Mur, xã Quảng Khê cũng chia sẻ: "Lâu lắm rồi người Mạ mới có dịp tổ chức Lễ cúng thần rừng. Ngoài việc tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, đây còn là dịp để bà con có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, răn dạy con cháu chung tay bảo vệ rừng".

Trao vòng sức khỏe và chuỗi cườm cho khách tham dự

Lễ cúng thần rừng của người Mạ là nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời, có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống tinh thần, khẳng định sự gắn kết của cộng đồng với thiên nhiên, tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. Vì vậy, việc tổ chức Lễ cúng thần rừng góp phần giúp đồng bào Mạ nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như có dịp quây quần, sinh hoạt văn hóa dân gian, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng bon làng.

 

Điều đáng chú ý là tại các phần nghi lễ, ngoài diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, thổi m'buốt…, bà con tham dự ai cũng hát những bài dân ca Mạ có nội dung nói về núi rừng, ca ngợi vai trò của rừng đối với cuộc sống cộng đồng. Bởi vì, từ xa xưa, cuộc sống của đồng bào đã gắn bó với núi rừng từ đời này sang đời khác. Do đó, việc kể chuyện và hát dân ca sẽ giúp cho con cháu thấy được vai trò, lợi ích của rừng, từ đó chung tay gìn giữ, bảo vệ, phát triển rừng ngày càng xanh tươi.

 

Theo Đắk Nông Online