THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng
12/10/2020 | 08:50  | View count: 16840

Bệnh Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn tiến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tính đến ngày 07/10/2020, toàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 320 trường hợp mắc Tay chân miệng, tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2019 (208 ca); có 12 ổ dịch, trong đó 08 ổ dịch tại trường học và 04 ổ dịch tại cộng đồng. Dự báo tình hình dịch bệnh Tay chân miệng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất lớn; đặc biệt, trong giai đoạn bắt đầu năm học mới, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch rất cao nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống kịp thời.

Để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, yêu cầu Sở Y tế: Chủ động, phối hợp triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông sâu rộng về phòng, chống bệnh Tay chân miệng đến cộng đồng, trường học; đặc biệt tập trung vào đối tượng là phụ huynh có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, lãnh đạo chính quyền, đoàn thể tại địa phương… về bệnh Tay chân miệng và các biện pháp phòng chống.

- Tăng cường hoạt động giám sát chủ động tại cơ sở y tế và cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca bệnh, thực hiện tốt công tác cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

- Chủ trì tổ chức, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống bệnh Tay chân miệng.

- Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp biến chứng nặng và tử vong. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.

- Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện phục công tác điều tra, xử lý dịch.

- Thường xuyên báo cáo, đề xuất kịp thời các giải pháp, phương án với UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý tình hình dịch bệnh bất thường trên địa bàn tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trên địa bàn, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục… thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh phòng bệnh như: hàng ngày phải vệ sinh khử khuẩn lớp học, bề mặt tiếp xúc, đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà,… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay, nước sạch tại các lớp học; Thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh hàng ngày khi đến lớp, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi mắc bệnh Tay chân miệng cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, phối hợp chặt chẽ với gia đình và y tế trong việc cách ly ca bệnh, vệ sinh khử khuẩn bề mặt tiếp xúc trong xử lý ổ dịch, theo dõi các trẻ có tiếp xúc với ca bệnh nghi mắc hoặc ca bệnh xác định để phát hiện sớm và thông báo kịp thời cho cơ sở y tế; Phối hợp với ngành Y tế trong công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho giáo viên, phụ huynh học sinh về bệnh Tay chân miệng.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông: Phối hợp với Sở Y tế thường xuyên đăng tải các thông tin liên quan về dịch bệnh Tay chân miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để người dân biết, chủ động phòng, chống dịch Tay chân miệng. Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường hoạt động truyền thông trực tiếp tới từng người dân để họ hiểu và chủ động thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương; UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Y tế triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng trên địa bàn, khống chế không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng; Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng. Bố trí đủ kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh Tay chân miệng (kinh phí từ nguồn phòng, chống dịch, kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn hợp pháp khác...) trên địa bàn quản lý; Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các nhóm trẻ tự phát trên địa bàn, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng chống bệnh Tay chân miệng.

H.M