THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19
27/05/2020 | 10:19  | View count: 236212

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 2570/UBND-KTN yêu cầu các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành theo chức năng, nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 249/QĐ-UBND ngày 28/4/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch điều chỉnh đáp ứng với từng cấp độ dịch bệnh Covid-19 tỉnh Đắk Nông; Triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

* Đối với các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Thực hiện công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, ổn định diện tích sản xuất lúa, triển khai hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, khuyến khích người dân mở rộng quy mô phát triển đàn gia súc ăn cỏ.

- Rà soát, đánh giá tình hình sản xuất lượng thực, thực phẩm hiện nay trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xây dựng kịch bản, tính toán, dự báo ngắn hạn và dài hạn để chỉ đạo sản xuất đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm phục vụ ổn định đời sống của nhân dân.

- Hướng dẫn nhân dân chuyển đổi các diện tích trồng cây hồ tiêu bị chết và diện tích đất trồng các loại cây công nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn theo định hướng phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

- Các diện tích trồng lúa một vụ, thường xuyên thiếu nước trong vụ Đông Xuân, xem xét, đề xuất các phương án để đảm bảo sản xuất hiệu quả kinh tế và bền vững.

- Rà soát thiệt hại do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 đối với các Tổ hợp tác, các Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh để đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho phù hợp và hiệu quả, tránh gây thất thoát.

- Hỗ trợ người sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn (GAP, hữu cơ, 4C…); xây dựng mã vùng trồng; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ cho người sản xuất.

2. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố:

- Hỗ trợ Hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc chuyển giao dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển đa dạng ngành hàng nông sản qua chế biến.

- Hỗ trợ quảng bá các mặt hàng nông sản, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

3. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố:

- Hỗ trợ xây dựng nhãn hàng hóa, thương hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý hàng hóa nông sản.

- Chuyển giao tiến bộ công nghệ khoa học áp dụng vào bảo quản nông sản sau thu hoạch và chế biến sâu nông sản, tạo ra các sản phẩm ngành hàng nông sản chất lượng cao.

4. Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố:

- Hỗ trợ đổi mới và phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác phù hợp với tình hình mới, nâng cao vai trò của các Hợp tác xã là "trung tâm" kết nối người dân với nhau và người dân với các doanh nghiệp, là "bà đỡ" của nông dân.

- Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác phát triển nguồn nhân lực, phát triển ngành nghề, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã. Hỗ trợ các Hợp tác xã về năng lực hoạt động sản xuất, tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, ký kết liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

5. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Nông chỉ đạo các Ngân hàng thương mại:

- Khoanh nợ, giãn nợ đối với các đối tượng vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, phù hợp với điều kiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp hiện nay đảm bảo theo quy định.

- Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vay vốn để đầu tư duy trì sản xuất bằng thế chấp hàng hóa.

- Xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư vào sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các Doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở chế biến sâu, chứng nhận chất lượng hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố:

- Tham mưu, đề xuất các phương án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của luật pháp.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách kích cầu, thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế biến sâu với dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ; sản xuất đa dạng hóa sản phẩm chế biến nông sản. Nhất là những doanh nghiệp sản xuất chế biến, tiêu thụ có liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Cũng tại Công văn này, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố: Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân tại địa phương; Tổ chức tuyền truyền để mọi người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm, tác hại của dịch Covid-19, phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng. Đồng thời, tổ chức phát triển sản xuất để ổn định đời sống cho nhân dân tại địa phương.

H.M