KINH TẾ - XÃ HỘI

Công bố Phương án Kỳ thi THPT Quốc gia 2017
29/09/2016 | 08:30  | View count: 2619

Chiều 28-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo công bố Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Những điểm nêu trong phương án này sẽ là nền tảng để Bộ điều chỉnh, bổ sung quy chế thi Tốt nghiệp THPT quốc gia và Tuyển sinh ĐH, CĐ 2017.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Ngay từ lúc này, phương án là thông báo chính thức để các trường phổ thông, sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ chuẩn bị chương trình giảng dạy, ôn tập và thí sinh học tập cho phù hợp.

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) hệ chính quy. Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết phương án chính thức so với dự thảo được công bố từ 20 ngày trước đây không có nhiều thay đổi.

Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về bài thi, hình thức thi, đề thi, thời gian làm bài thi và lịch thi...

Kỳ thi tổ chức thi 5 bài, gồm: 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với Giáo dục thường xuyên).

Các bài thi tổ hợp có điểm từng môn thành phần (phục vụ xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo khối thi truyền thống) và điểm toàn bài thi (phục vụ xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo tổ hợp môn thi, bài thi mới).

Thí sinh Giáo dục THPT thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh Giáo dục Thường xuyên thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội). Thí sinh có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, thí sinh có thể thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi các bài thi hoặc các môn thành phần của bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học Xã hội, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Thí sinh được sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017 theo quy định trong đề án tuyển sinh được các trường ĐH, CĐ công bố công khai.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và các câu hỏi phân hóa phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học Xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm; đề thi của bài thi Toán, bài thi Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời với duy nhất 1 phương án trả lời đúng. Đề thi bài thi Ngữ văn có phần Đọc hiểu và phần Làm văn.

Thời gian làm bài thi: Thời gian làm bài dành cho mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội: 50 phút. Bài thi Ngữ văn: 120 phút. Bài thi Toán: 90 phút. Bài thi Ngoại ngữ: 60 phút.

Nội dung thi: Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.

Lịch thi: Tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6 năm 2017. Ngày thứ nhất: Buổi sáng: thi Ngữ văn và Ngoại ngữ. Buổi chiều: thi Toán. Ngày thứ hai: Buổi sáng: thi bài thi Khoa học Tự nhiên. Buổi chiều: thi bài thi Khoa học Xã hội.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT: Kết hợp sử dụng kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục Thường xuyên) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50 : 50.

Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm): 1,0 điểm. Điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp: 1,0 điểm.

Đối với các trường ĐH, CĐ xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia phải công bố công khai chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D).

Giải đáp những băn khoăn về công tác xây dựng đề thi, ngân hàng câu hỏi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: Lực lượng tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi là những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các trường THPT, trung tâm GDTX đội ngũ chuyên gia từ viện nghiên cứu, giảng viên đại học... Đây đều là những người am hiểu về giáo dục phổ thông, có kinh nghiệm và nắm vững quy định trong việc xây dựng ngân hàng câu hỏi.

"Ngay sau khi công bố phương án này, chúng tôi sẽ tập hợp một lực lượng giáo viên, cán bộ , chuyên gia đủ lớn để trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 5 sẽ thực hiện đủ quy trình của các bước xây dựng ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi bảo đảm độ tin cậy cũng như về số lượng" – ông Mai Văn Trinh nói. Hiện Bộ GD-ĐT đang dự kiến mỗi thí sinh trong phòng thi có một đề thi khác nhau với mức độ trùng lặp theo tính toán là khoảng 20%, bảo đảm hạn chế tốt nhất việc thí sinh nhìn bài, chép bài nhau, đem đến cho kỳ thi kết quả tốt.

Về vấn đề kiểm nghiệm các câu hỏi và đề thi, ông Mai Văn Trinh cho biết thêm: Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi có những quy định khoa học mà các nước áp dụng và chúng ta cũng không làm ngoài quy trình đó. Trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi chắc chắn có khâu kiểm thử.

Ông Mai Văn Trinh khẳng định: "Đến nay công tác chuẩn bị cho đề thi hết sức chủ động, có kế hoạch hợp lý".

"Hiện tổ công tác và nhóm làm đề thi của Bộ GD-ĐT đang làm việc với Trung tâm Khảo thí của ĐHQGHN về công tác đề thi. Đề thi của Bộ GD-ĐT sẽ khác so với đề thi của ĐHQGHN nhưng ở những phần kiến thức cơ bản thì chúng ta vẫn có thể kế thừa" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm.

Thứ trưởng cũng nói rằng những đổi mới trong phương án thi trong những năm qua đều nằm trong lộ trình và phương án thi năm 2017 sẽ là lâu dài.

Theo nhân dân điện tử