KINH TẾ - XÃ HỘI

Một số kết quả sau 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
24/10/2018 | 08:55  | View count: 21324

Qua 10 năm triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền đã coi công tác gia đình và Luật phòng, chống bạo lực gia đình là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; ý thức chấp hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình của người dân được nâng cao. Việc xây dựng và nhân rộng mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình ở các xã, phường, thị trấn đạt hiệu quả; số hộ gia đình tham gia sinh hoạt câu lạc bộ ngày càng nhiều. Các thành viên trong gia đình đã nhận thức được các hành vi bạo hành về thân thể, tinh thần là hành vi vi phạm pháp luật, từ đó tự ý thức gìn giữ hạnh phúc gia đình, tự gắn kết các mối quan hệ trong gia đình, xây dựng gia đình bình đẳng, no ấm, tiến bộ và hạnh phúc.

Để giúp người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rõ hơn về vai trò của gia đình, ý nghĩa của việc phòng, chống bạo lực gia đình, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, Sở, Ban, ngành của tỉnh đã tích cực đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lồng ghép thông qua các buổi thông tin lưu động, các đội chiếu bóng lưu động, phổ biến giới thiệu sách báo, trưng bày, triển lãm qua các buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ cấp phát 3.800 tờ rơi; treo 3.016 băng rôn tuyên truyền về công tác gia đình.

Sở Tư pháp in ấn, cấp phát miễn phí hơn 150 ngàn tờ gấp pháp luật dưới dạng hỏi/đáp đến toàn thể cán bộ và nhân dân ở cơ sở trong đó có nội dung phòng, chống bạo lực gia đình. Công an tỉnh tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tích cực vận động nhân dân tham gia đấu tranh và tố giác tội phạm, lồng ghép phòng, chống bạo lực gia đình với các phong trào: Xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; cuộc vận động xây dựng gia đình hạnh phúc "5 không, 3 sạch"… tuyên truyền cung cấp thông tin kiến thức về pháp luật, hôn nhân và gia đình.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em tại 15 trường THPT trên địa bàn tỉnh, thu hút hàng nghìn lượt học sinh, giáo viên tham gia. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát 120 tin, bài với thời lượng 15 phút/chuyên mục tuyên truyền, phản ánh các hành vi bạo lực gia đình.

Báo Đắk Nông đăng tin bài phản ánh các chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Hội Liên hiệp phụ nữ thành lập 1 CLB "Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" có 30 cặp vợ chồng tham gia; Xây dựng 16 mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng", 48 CLB "Gia đình hạnh phúc", "Phòng chống bạo lực gia đình","Gia đình phát triển bền vững", "Gia đình không có bạo lực","Gia đình không có tệ nạn xã hội... với 2.005 thành viên tham gia. Đặc biệt, Hội đã triển khai tốt mô hình "Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới" tại xã Nam Dong, huyện Cư Jút.

Từ kết quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật phòng, chống bạo lực gia đình; đến nay, toàn tỉnh có 49 Câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (với 1.960 thành viên); 175 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 786 tổ hòa giải ở cơ sở. Điển hình, huyện Cư Jút đã thành lập và duy trì hoạt động 16 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình (tiêu biểu CLB phòng, chống bạo lực gia đình thôn Đồi Mây, xã Đắk Wil), 61 câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững", "Gia đình văn hóa", "Ông bà, mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Xây dựng gia đình không có bạo lực", "Gia đình không có tệ nạn xã hội". Thị xã Gia Nghĩa thành lập và duy trì hoạt động 15 CLB phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó xã Đắk Nia có 5 CLB được thành lập và duy trì từ năm 2008 đến nay. Huyện Đắk Mil phối hợp với Trung tâm y tế thành lập được 8/10 Cơ sở hỗ trợ, tư vấn nạn nhân bị bạo lực gia đình và làm tốt công tác bố trí, nơi tạm lánh, tư vấn và điều trị cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các trạm y tế xã, thị trấn.

Tính đến năm 2017, toàn tỉnh có 108.779/139.895 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 77,76%; 598/789 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố văn hóa, chiếm 75,79%; 835/935 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, chiếm tỷ lệ 89,30%; 21/71 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, chiếm  29,58%.

Tuy nhiên, qua thống kê, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 1.838 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 1.745 người gây bạo lực là nam giới và nạn nhân bị bạo lực chủ yếu là nữ giới với 1.532 người. Công tác triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình điểm về phòng, chống bạo lực gia đình đạt về số lượng nhưng một số địa phương hiệu quả hoạt động chưa cao. Số vụ bạo lực gia đình tuy có giảm nhưng ở mức độ chậm, số vụ ly hôn tăng. Các vụ bạo lực có tính chất nghiêm trọng ngày càng tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Từ những kết quả đã đạt được trong công tác thông tin tuyên truyền, cũng như những hạn chế còn tồn tại trong việc thi hành Luật PCBLGĐ tại các địa phương, đơn vị, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, giai đoạn 2008-2018 do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức ngày 02/10/2018 vừa qua, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh – TUV, Phó Chủ tịch UBND nhấn mạnh: Gia đình là tế bào của xã hội nên công tác gia đình và vấn đề PCBLGĐ rất quan trọng, không chỉ riêng mỗi gia đình mà toàn xã hội cần phải quan tâm vào cuộc. Đồng chí đề nghị, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã sớm thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thi hành luật đạt hiệu quả cao hơn. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình; xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra theo chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình. Các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đưa mục tiêu về phòng, chống bạo lực gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Các Sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Các Câu lạc bộ, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình can thiệp, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình và tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình. Đồng thời biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Thanh Tùng