KINH TẾ - XÃ HỘI

Hội nghị xây dựng và thúc đẩy liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn bền vững
09/06/2017 | 08:47  | View count: 3995

Ngày 8/6, tại Thị xã Gia Nghĩa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND 2 tỉnh Đăk Nông và Gia Lai tổ chức Hội nghị xây dựng và thúc đẩy liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn bền vững.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các viện nghiên cứu, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân của 6 tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất Việt Nam gồm: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu.

Các đồng chí: Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; KPă Thuyên  -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Hoàng Trung - Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp- PTNT); Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, toàn quốc hiện có trên 126 ngàn ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên chiếm hơn 50% diện tích và Đông Nam bộ chiếm hơn 35% diện tích cả nước. Tổng sản lượng hàng năm đạt hơn 193.000 tấn. Năng suất tiêu trung bình của cả nước hiện ở mức cao với 2,4 tấn/ ha, cao hơn năng suất hồ tiêu thế giới khoảng 2,6 lần, tạo khả năng cạnh tranh cao so với các nước xuất khẩu hồ tiêu có diện tích lớn nhưng năng suất thấp như Ấn Độ và Indonesia. Thị trường xuất khẩu rộng lớn là điều kiện để ngành hồ tiêu phát triển.

Tuy nhiên, việc phát triển hồ tiêu nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế. Cụ thể là diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh. Các địa phương chưa áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, tưới nước tiết kiệm, phòng trừ sâu bệnh hại. Tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu còn nhiều hạn chế chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của ngành hồ tiêu.

Đồng chí Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị

Ở Đăk Nông diện tích hồ tiêu đã vượt gần 3 lần so với quy hoạch cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và tăng gần gấp đôi diện tích quy hoạch đến năm 2020 do tỉnh phê duyệt. Tính đến năm 2016 diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh là 27.537 ha, sản lượng 34.468 tấn.

Tại hội nghị, các lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và người nông dân trồng tiêu các tỉnh tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tìm ra mục tiêu hướng đến phát triển bền vững cho loại cây trồng này. Theo ý kiến đánh giá của các đại biểu tại hội nghị, trên cây hồ tiêu có nhiều loại bệnh gây hại, trong đó phổ biến nhất là tuyến trùng rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm do nấm Phytophthora gây ra. Do đó, để hạn chế dịch bệnh này cần phải nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người trồng hồ tiêu về việc chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật canh tác và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên hồ tiêu. Đẩy mạnh các biện pháp sinh học phòng chống sâu bệnh hại hồ tiêu theo hướng bền vững, chọn giống năng suất cao và có khả năng kháng bệnh…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, hồ tiêu là là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nước ta. Để sản xuất hồ tiêu bền vững trước tiên cần phải khống chế về diện tích ở mức hợp lý ở từng địa phương, áp dụng rộng rãi hơn các quy trình sản xuất bền vững những diện tích hiện có. Đồng thời, rà soát những vùng trồng kém hiệu quả để chuyển đổi sang các loại cây khác. Các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc nghiên cứu về quy trình canh tác hồ tiêu an toàn, đồng thời vận động hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình để đảm bảo sản xuất tiêu an toàn bền vững.

Các đại biểu dự hội nghị

 

Tại hội nghị, Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam; một số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu cũng đã kí kết văn bản hợp tác, ghi nhớ về tổ chức, liên kết sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững.

Song Nguyên