TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Hiện nay, ngành chức năng đang tổ chức hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bán hàng qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart. Đây được xem là bước tiến mới về chuyển đổi số trong nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng đi mới cho nông sản.
Theo ông Đồng Xuân Liền, Giám đốc HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, xã Nam Bình (Đắk Song), HTX có 160 ha hồ tiêu của các thành viên đã được chứng nhận VietGAP và RainForest.
Những năm qua, các đối tác của HTX đã mua hồ tiêu để xuất khẩu, với sản lượng khoảng 150 tấn/năm. Sản phẩm của HTX luôn bán được với giá cao hơn khá nhiều so với hồ tiêu thông thường.
Tuy nhiên, HTX vẫn còn khoảng 200 tấn hồ tiêu chưa được xuất khẩu. Vì vậy, khi được tiếp cận với sàn TMĐT, HTX đã có thêm cơ hội để bán hàng. Sàn TMĐT giúp HTX quảng bá sản phẩm tốt hơn, nhất là đối với thị trường nước ngoài.
Sản phẩm hồ tiêu của HTX Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến đang được hỗ trợ lên sàn TMĐT |
Còn HTX Sản xuất, thu mua nông sản Hoa Sen, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), chuyên sản xuất dưa lưới trồng trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao.
Mỗi năm, HTX cung cấp khoảng 54 tấn dưa lưới ra thị trường. Sản phẩm dưa lưới của HTX đã được Liên minh HTX tỉnh và ngành chức năng hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, giao dịch trên sàn TMĐT.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sen, Giám đốc HTX cho biết, lâu nay, HTX bán sỉ và bán lẻ dưa lưới trên thị trường, đầu ra khá ổn định. Thế nhưng, khi tiếp cận với sàn TMĐT, sản phẩm của HTX được quảng bá tốt hơn, có cơ hội tiêu thụ lớn hơn.
"Đây là kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp nâng cao giá trị nông sản. Riêng sản phẩm của chúng tôi được nhiều người biết đến và mua nhiều hơn", chị Sen chia sẻ.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với các địa phương, các tổ chức cơ sở hội, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức, tư vấn, hỗ trợ nông dân tham gia sàn TMĐT.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sen hy vọng sản phẩm dưa lưới tiếp cận thị trường tốt hơn thông qua sàn TMĐT |
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khi được đưa lên sàn TMĐT, sản phẩm sẽ được minh bạch các thông tin về nơi sản xuất, tiêu chuẩn an toàn, giá cả... cho khách hàng nắm bắt.
Sàn TMĐT giúp người mua và người bán thuận lợi giao dịch, nhất là về giá cả. Kênh bán hàng này cũng góp phần tập hợp sản phẩm để cung ứng số lượng lớn cho nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Các thông tin về nhu cầu mua, bán sản phẩm cũng được cụ thể hóa, rõ ràng trên sàn TMĐT. Điều này giúp người dân có kế hoạch sản xuất tốt hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn, số lượng sản phẩm, tránh tình trạng cung vượt cầu hay thiếu hụt hàng hóa.
Cũng theo ông Gấm, sàn TMĐT rất thuận lợi trong khâu bán hàng và nhiều lợi ích khác. Thế nhưng, nó cũng đặt ra những thách lớn cho nông dân, người sản xuất trong giai đoạn tới.
Bởi vì, sàn TMĐT có những yêu cầu khá khắt khe về sản phẩm, nhất là về chất lượng và mẫu mã. Do đó, đòi hỏi nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất theo hướng an toàn sinh học, chất lượng cao.
Nông dân cũng cần có sự liên doanh, liên kết, tạo vùng nguyên liệu để cung cấp sản phẩm ở quy mô lớn. Sản phẩm đưa lên sàn TMĐT cũng cần có các bước sơ chế, tinh chế... để có giá trị tốt hơn.
"Nói chung, nông dân phải tự nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số. Sản xuất nông nghiệp phải trở nên an toàn, chuyên nghiệp hơn", ông Hồ Gấm nhấn mạnh.
Sàn thương mại điện tử Postmart ra đời vào cuối năm 2018. Đây là kênh mua bán hàng trực tuyến thông minh, chuyên cung cấp hệ thống sản phẩm đặc sản chính gốc, chất lượng cao cho khách hàng. Postmart còn góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm của tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, postmart.vn đã cung cấp hơn 100.000 mặt hàng từ nhiều ngành hàng như: đặc sản, hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp… |
Theo Báo Đắk Nông Điện tử