Một người phụ nữ Ukraine đứng bên ngoài căn nhà bị tên lửa Nga tấn công ở thủ đô Kiev. (Ảnh: AP) |
Chiến sự ở Ukraine đang là vấn đề được cả thế giới quan tâm và theo dõi. Tình hình Nga-Ukraine đã trở nên vô cùng căng thẳng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/2 ký sắc lệnh công nhận độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine. Đến rạng sáng ngày 24/2, điện Kremlin phát đi thông báo về việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass, Ukraine. Moskva khẳng định đang bảo vệ người dân Donbass khỏi Kiev và buộc phải sử dụng đến các biện pháp quân sự sau khi Ukraine từ bỏ ngoại giao trong cuộc xung đột dân sự ở miền Đông.
Ngay sau tuyên bố, nhiều vụ tấn công đã xảy ra ở các địa phương của Ukraine như Kharkiv, Kramatorsk, Odessa, Mariupol. Lực lượng Nga tiến vào Ukraine thông qua biên giới ở Nga, Belarus và Crimea. Đến sáng ngày 26/2, giao tranh đã nổ ra giữa giữa binh sĩ Ukraine và Nga trên các đường phố ở thủ đô Kiev. Quân đội Nga đã phong tỏa ngả đường phía Tây vào Kiev. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng Nga đã kiểm soát sân bay chiến lược Hostomel ở ngoại thủ đô Kiev cũng như vô hiệu hóa nhiều cơ sở hạ tầng quân sự tại Ukraine, như sân bay quân sự, trạm chỉ huy và trung tâm liên lạc của quân đội Ukraine...
Ukraine cũng công bố con số thiệt hại của Nga khi nói nhiều máy bay, trực thăng bị bắn rơi, xe tăng bị tiêu diệt.
Trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp tục leo thang, hàng nghìn người dân Ukraine đã rời khỏi đất nước. Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, khoảng 100.000 người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa và di tản. Tình hình của người dân Ukraine đang vô cùng khó khăn.
Trước những diễn biến ở Ukraine, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 24/2 tuyên bố chi 20 triệu USD từ Quỹ Cứu trợ khẩn cấp của LHQ cho hoạt động cứu trợ Ukraine. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi Nga tránh vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Ông Guterres khẳng định LHQ sẽ hỗ trợ hết sức những người cần được giúp đỡ và nhấn mạnh việc bảo vệ người dân phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong tình hình hiện nay. Phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ tại New York, ông Guterres tái khẳng định tất cả cần tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, đồng thời bày tỏ hy vọng những quyết sách của các bên trong vài ngày tới sẽ tuân thủ Hiến chương LHQ.
Ngoài việc chỉ trích Nga can thiệp quân sự tại Ukraine, Mỹ và phương Tây triển khai vòng trừng phạt mạnh tay nhằm chống lại Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ra lệnh ngừng xem xét cấp phép vận hành cho dự án Nord Stream 2 - đường ống dẫn thẳng khí đốt từ Nga đến Đức và châu Âu. Mỹ tuyên bố áp trừng phạt đối với 5 ngân hàng lớn của Nga, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất là Sberbank và VTB, chặn các ngân hàng này trong các giao dịch bằng đồng USD. Mỹ ước tính rằng 80% lượng giao dịch hàng hóa của Nga thực hiện bằng đồng USD và phần lớn giao dịch đó sẽ bị cắt đứt.
Cũng đã xuất hiện tín hiệu tích cực bước đầu đưa tới khả năng chấm dứt xung đột. Một ngày sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, chính quyền Kiev phát thông điệp muốn hòa bình và sẵn sàng đàm phán với Nga, bao gồm cả về lập trường trung lập liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi đáp đề nghị này với quan điểm Moskva luôn sẵn sàng đối thoại với điều kiện lực lượng vũ trang của Ukraine giải giáp vũ khí.
Nhiều quốc gia nới lỏng hạn chế phòng COVID-19
Chính phủ Ba Lan thông báo sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ tháng 3 tới. (Ảnh: AP) |
Với chủ trương sống chung an toàn với COVID-19, các nước trên thế giới tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này đặt mục tiêu sớm hạ cấp COVID-19 từ đại dịch xuống thành một bệnh đặc hữu. Thư ký Thường trực Bộ Y tế Kiartiphum Wongrachit ngày 24/2 cho biết bộ này sẽ công bố kế hoạch quản lý để đối phó với COVID-19 như là bệnh đặc hữu, với mục tiêu là đưa ra sự thay đổi trong 4 tháng.
Chính phủ Ba Lan ngày 23/2 thông báo sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 kể từ tháng 3 tới, ngoại trừ các quy định về cách ly và đeo khẩu trang ở nơi công cộng có không gian kín. Theo đó, kể từ ngày 1/3, tất cả các biện pháp hạn chế đối với hoạt động kinh doanh sẽ được bãi bỏ. Các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và cơ sở vui chơi giải trí không còn bị giới hạn số lượng khách được phép phục vụ. Nhân viên các cơ quan Chính phủ cũng sẽ đi làm trở lại bình thường, thay vì làm từ xa như trước đây. Tuy nhiên, người dân Ba Lan vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đi các phương tiện giao thông công cộng cũng như khi mua sắm tại các cửa hàng. Người mắc COVID-19 và người sống cùng nhà cũng vẫn phải thực hiện cách ly như quy định hiện hành.
Tại Slovakia, kể từ ngày 26/2, chính phủ nước này sẽ nới lỏng hạn chế đối với những người chưa tiêm phòng COVID-19, cho phép họ đến các nhà hàng, cửa hàng, khách sạn và cơ sở làm đẹp. Cụ thể, tất cả người dân Slovakia sẽ không còn phải cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính khi đến các trung tâm thể hình, chăm sóc sức khỏe, công viên nước, khách sạn, sự kiện giải trí, đám cưới, đám tang… Nhà hàng và các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng được phép đón tất cả khách hàng, không phân biệt tình trạng tiêm chủng.
Từ ngày 23/2, nhiều bang của Mỹ đã bắt đầu dỡ bỏ các quy định về đeo khẩu trang và điều chỉnh quy định về tiêm chủng vaccine khi tỷ lệ ca mắc mới COVID-19 ở nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.
Ngày 25/2, Thị trưởng thủ đô Moskva của Liên bang Nga, ông Sergei Sobyanin, đã ký sắc lệnh bãi bỏ một số biện pháp hạn chế được áp dụng khi virus corona lây lan. Ông Sobyanin nêu rõ từ ngày 28/2, thủ đô Moskva sẽ bãi bỏ việc chặn thẻ đi lại của tất cả những cư dân trên 60 tuổi và người mắc bệnh mãn tính. Ngoài ra, yêu cầu chuyển 30% nhân viên sang chế độ làm việc từ xa cũng được chuyển từ mức "bắt buộc" thành "khuyến cáo".
Ngày 22/2, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí mở cửa biên giới cho các du khách đến từ ngoài khối đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt, đồng thời nới lỏng hạn chế đối với những du khách tiêm các vaccine của Ấn Độ và Trung Quốc. Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/3.
Đụng độ ở biên giới Afghanistan – Pakistan, 2 người thiệt mạng
Binh sĩ Pakistan ở khu vực biên giới giáp với Afghanistan. (Ảnh: Reuters) |
Các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Afghanistan và Pakistan đã khiến hai người thiệt mạng và một số người bị thương ở khu vực biên giới của hai nước láng giềng này.
Đây là vụ đụng độ mới nhất trong một loạt các cuộc giao tranh giữa Pakistan - Afghanistan trong thời gian gần đây.
Cả Pakistan và Afghanistan đều đổ lỗi cho nhau vì đã bắt đầu các cuộc đụng độ mà sau đó lan sang một số ngôi làng ở gần đó.
Tình hình tại biên giới giữa Afghanistan và Pakistan trở nên căng thẳng hơn kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021 tại Afghanistan. Pakistan cáo buộc các nhóm chiến binh ở Afghanistan đang lên kế hoạch tấn công nước này. Trong khi đó, Taliban phủ nhận việc chứa chấp các tay súng chống chính quyền Pakistan, song lên án việc Islamabad dựng một hàng rào dọc biên giới 2.700 km giữa hai nước.
Theo người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid, lãnh đạo hai nước đã được báo cáo các thông tin liên quan và hiện tình hình đã được kiểm soát.
Burkina Faso đề xuất quá trình chuyển tiếp chính quyền kéo dài 30 tháng
Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba - người đứng đầu chính quyền quân sự tại Burkina Faso. (Ảnh: AP) |
Ngày 24/2, Ủy ban chuyên trách của chính quyền quân sự Burkina Faso đã đề xuất thực hiện quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân sự tại nước này trong 30 tháng.
Theo các nguồn tin trong chính quyền và quân đội Burkina Faso, Ủy ban trên đề xuất tiến hành quá trình chuyển tiếp trong 30 tháng và dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền quân sự tại Burkina Faso, Trung tá Paul-Henri Sandaogo Damiba. Ủy ban này cũng đề nghị thành lập một chính phủ nhỏ và một cơ quan lập pháp với số thành viên lần lượt là khoảng 20 và 50 thành viên. Một nguồn thạo tin cũng cho biết tổng tuyển cử sẽ được tổ chức sau khi quá trình chuyển tiếp kết thúc. Ủy ban gồm 15 thành viên là các chuyên gia luật pháp, nhà xã hội học, kinh tế học và sĩ quan quân đội. Đề xuất trên đã được trình lên ông Damiba.
Burkina Faso là một trong những quốc gia nghèo và bất ổn nhất trên thế thới. Sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra ngày 24/1, Trung tá Damiba, 41 tuổi, đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời. Burkina Faso là quốc gia thứ 3 ở Tây Phi, sau Mali và Guniea, chứng kiến một cuộc đảo chính quân sự trong chưa đầy 18 tháng. Hiện Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm đối với Mali và Gunea vì trì hoãn quá trình chuyển tiếp. Burkina Faso tuy chưa bị áp đặt trừng phạt nhưng đang bị đình chỉ hoạt động trong khuôn khổ ECOWAS. Tổ chức này yêu cầu chính quyền quân sự tại Burkina Faso đưa ra một khung thời gian hợp lý cho việc chuyển tiếp sang chính quyền dân sự.
Giá dầu và vàng tăng mạnh
Giá dầu và vàng tăng mạnh trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại miền Đông Ukraine. (Ảnh minh họa) |
Trong phiên giao dịch sáng 24/2 (giờ Việt Nam), giá dầu đã vượt mốc 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu Brent đã lên tới 100,04 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng trong hơn 7 năm qua.
Trong khi đó, giá vàng thế giới cũng bật tăng 0,39% lên 1.915 USD/ounce - gần mức cao kỷ lục trong vòng 9 tháng qua.
Theo các nhà phân tích, đây là những diễn biến thị trường mới nhất trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại miền Đông Ukraine.
Giá dầu cũng chịu áp lực tăng do lo ngại rằng các quốc gia phương Tây có thể thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này đưa quân vào hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, làm ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng./.
Theo dangcongsan.vn