THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Đối với Đắk Nông, tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 9/2019 đạt 44%, tăng 4% so cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên vẫn nằm trong tốp các Bộ, ngành và địa phương giải ngân dưới 50%, trong số đó thì nguồn vốn ngân sách địa phương (NSĐP) quản lý chỉ đạt 42% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2018).
Đối với nguồn vốn nước ngoài có tỷ lệ giải ngân thấp chiếm 20% (trong đó vốn ODA giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước chưa giải ngân, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có tỷ lệ giải ngân đạt 24%). Về tình hình giải ngân vốn chương trình mục tiêu (CTMT) và chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2019 do địa phương quản lý đạt tỷ lệ 37,7%(trong đó CTMTQG đạt tỷ lệ 16%).
Công nhân thi công Dự án hồ Trung tâm Gia Nghĩa). Ảnh: Lê Phước |
Đâu là nguyên nhân
Thông qua số liệu giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn và thực tiễn kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư tại địa phương, theo chúng tôi nhận thấy có một số nguyên nhân cần đặt ra để cùng bàn bạc như sau:
Thứ nhất, về cơ chế, chính sách còn một số vướng mắc, chồng chéo, chưa rõ ràng giữa các luật và văn bản pháp quy dưới luật (Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường...) liên quan đến trình tự, thủ tục hồ sơ từ khâu lập dự án đầu tư đến thanh toán và quyết toán kết thúc dự án, đã phần nào tác động đến giải ngân vốn đầu tư, có thể đơn cử một số nội dung sau:
- Về chủ trương đầu tư, tại Điều 25, Luật Bảo vệ môi trường quy định phải có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá bảo vệ môi trường trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, trong khi đó tại Điều 33, Luật Đầu tư 2014 không quy định phải có trong thành phần hồ sơ khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.
- Quy định trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định, căn cứ Điều 1, Nghị định số 42/2017/NĐ-CP quy định cơ quan chủ trì thẩm định dự án là cơ quan chuyên môn về xây dựng... có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định trình người có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư...Nội dung này cũng phù hợp với quy định tại khoản 8, Điều 57 Luật Xây dựng năm 2014. Tuy nhiên, tại Điều 31, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định và trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư.
- Việc thẩm định dự toán thiết bị mang tính chuyên ngành (không thuộc chuyên ngành xây dựng, chẳng hạn: thiết bị y tế, viễn thông, đo lường...) theo quy định hiện hành của Bộ Xây dựng khi được tổng hợp vào dự toán chung của công trình xây dựng thì phải do cơ quan chuyên ngành xây dựng (Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải) thực hiện. Việc này trong thực tế đang gặp khó khăn, thời gian thẩm định kéo dài, nên chăng giao cho các sở chuyên ngành thẩm định, các sở chuyên ngành về xây dựng chỉ tổng hợp kết quả thẩm định chung vào dự toán công trình trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt để vừa giảm thời gian thẩm định vừa nâng cao hiệu quả, chất lượng thẩm định.
- Chưa quy định cụ thể về thời gian kiểm tra công tác nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về thời gian kiểm tra công tác nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đối với cơ quan chuyên ngành xây dựng sau khi nhận giấy mời của chủ đầu tư. Vấn đề này trong thực tiễn đang gặp khó khăn khi chủ đầu tư mong muốn sớm được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trong một thời gian nhất định để làm cơ sở tổng hợp hồ sơ, tài liệu tiến hành giải ngân công trình hoàn thành đúng tiến độ.
- Luật Đầu tư công năm 2014 cho phép giải ngân vốn đầu tư đến hết 31/12 năm sau năm kế hoạch (2 năm) đã làm cho các chủ đầu tư có tâm lý không vội vàng triển khai dự án, công trình trong năm đầu kế hoạch vì còn quỹ thời gian và thông thường sẽ xúc tiến vào thời điểm cuối niên độ hoặc cuối năm kế hoạch.
Thứ hai, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thông thường được giao nhiệm vụ cho đơn vị chuyên môn trực thuộc UBND các cấp hoặc thuê các tổ chức tư vấn thực hiện. Tuy nhiên, công tác này thường kéo dài làm cho các chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu đã ảnh hưởng lớn đến quá trình hấp thụ vốn vào dự án, công trình. Nguyên nhân có nhiều, song về cơ bản là giá cả đền bù đất đai, tái định cư có biến động do biến động thị trường (sốt ảo) so với giá trị thực được cơ quan Nhà nước xác định tại thời điểm thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đã tạo tâm lý trông chờ, so sánh của người dân trong vùng, khu vực thuộc diện giải tỏa, đền bù, tái định cư. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến đất đai, quyền lợi thiết thực của người dân, do đó cơ quan, tổ chức chuyên môn làm nhiệm vụ này khi triển khai nhiệm vụ cũng có tâm lý thận trọng và chưa thật khẩn trương.
Thứ ba, các chủ đầu tư chậm tập hợp hồ sơ, chứng từ để thực hiện tạm ứng hoặc thanh toán tạm ứng tại KBNN nơi giao dịch.
Qua theo dõi công tác giải ngân và thực hiện kiểm tra công tác tạm ứng và thanh toán tạm ứng tại các chủ đầu tư cho thấy, có một số chủ đầu tư đã có khối lượng hoàn thành (bao gồm khối lượng hoàn thành từng hạng mục và khối lượng hoàn thành đưa vào sử dụng) nhưng chậm tập hợp hồ sơ gửi đến KBNN để giải ngân mà thường thực hiện một lần vào thời điểm cuối năm để thanh toán. Mặt khác, đối với các dự án, công trình chuyển tiếp (từ năm trước chuyển sang) cho dù vốn đã được bố trí sẵn sàng, song việc tổ chức thực hiện còn chậm dẫn đến khối lượng hoàn thành đủ điều kiện thanh toán chưa nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân trong năm.
Thứ tư, kế hoạch vốn giao chưa sát với thực tế "vốn thực" được bố trí trong năm kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân trên địa bàn tỉnh theo thống kê đạt 44%, theo chúng tôi là con số tương đối, chưa phản ánh chính xác số liệu giải ngân thực, với lý do sau:
Cơ quan có thẩm quyền giao kế hoạch vốn dựa trên số thu dự kiến trên địa bàn và số thu từ bổ sung từ cấp trên. Tuy nhiên, quyết định giao kế hoạch vốn năm của cấp có thẩm quyền vẫn là "Số kế hoạch", chỉ khi nào kế hoạch vốn đó được nhập vào Tabmis, lúc này kế hoạch vốn được giao chính là số thực để căn cứ thực hiện cấp phát, thanh toán tại KBNN nơi giao dịch. Chẳng hạn: Cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất hoặc từ nguồn xổ số kiến thiết..., đây là số dự kiến, khi nguồn thu thực tế đã được hạch toán thu vào NSNN, lúc này cơ quan tài chính nhập vào Tabmis thì mới thể hiện kế hoạch vốn chi đầu tư đã sẵn sàng thực hiện cấp phát, thanh toán. Mặt khác, cơ quan có thẩm quyền giao "Kế hoạch vốn thông báo sau" có ý nghĩa như nguồn "chưa phân bổ", không có nghĩa là đã giao kế hoạch vốn chính thức và là nguồn vốn thực. Tuy nhiên, khi xác định tỷ lệ giải ngân vẫn tính vào kế hoạch vốn được giao, từ đó sẽ kéo giảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại địa phương.
Căn cứ số liệu giải ngân vốn địa phương quản lý đạt 42%, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ thuộc địa phương quản lý có số giải ngân cao đạt 74%, tăng 67% so cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, các nguồn vốn khác có tỷ lệ giải ngân thấp so với năm 2018 từ 5-19% (vốn trong cân đối NSĐP(-8%); vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu (-13%); vốn chương trình mục tiêu quốc gia (-19%) và vốn ODA (-5%). Ngoài ra, còn 38 dự án đã giao kế hoạch vốn năm 2019 nhưng chưa giải ngân. Đồng thời, một số dự án được giao kế hoạch vốn từ nguồn thu sử dụng đất, thu từ xổ số kiến thiết, song tiến độ thu chưa đạt yêu cầu, do đó kế hoạch vốn do cơ quan tài chính thực nhập trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Viết tắt là Tabmis) thấp hơn so với kế hoạch vốn được giao. Riêng nguồn vốn kéo dài từ năm 2018 sang năm 2019 mặc dù được bố trí đủ vốn và dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư, song tỷ lệ giải ngân chỉ đạt gần 39% kế hoạch vốn giao. |
Một số giải pháp, kiến nghị
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nêu trên, nhanh chóng tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư đạt kế hoạch giao năm 2019, theo chúng tôi có một số giải pháp, kiến nghị sau:
Một là: Cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư để tránh chồng chéo chức năng, quy định cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền... để người thực hiện có cùng cách hiểu và thống nhất cùng phương thức thực hiện. Đồng thời quy định về thời hạn và chế độ cấp phát, thanh toán theo niên độ tránh dồn vào cuối niên độ hoặc cuối thời kỳ bố trí vốn.
Hai là: Đối với nguồn vốn kéo dài từ năm trước chuyển sang năm nay đã bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về vốn, mặt bằng, đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư... do đó các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án, công trình, nhanh chóng tiến hành nghiệm thu, tập hợp đủ thủ tục hồ sơ gửi đến KBNN nơi giao dịch để kịp thời giải ngân. Đối với kế hoạch vốn năm nay được bố trí cho dự án, công trình khởi công mới, các chủ đầu tư tập hợp hồ sơ đủ điều kiện tạm ứng gửi đến KBNN nơi giao dịch để giải ngân theo quy trình Thanh toán trước - kiểm soát chi sau. Đối với nhiệm vụ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, các chủ đầu tư thực hiện theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP và Nghị định số 120/2018/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó UBND cấp huyện đôn đốc UBND cấp xã trên cơ sở ý kiến thẩm định (của các phòng ban chuyên môn cấp huyện - trường hợp có đủ năng lực hoặc thuê các công ty tư vấn về xây dựng) khẩn trương phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình để hoàn thiện hồ sơ gửi KBNN nơi giao dịch kịp thời giải ngân, tránh ách tắc ngay từ khâu phê duyệt hồ sơ xây dựng công trình.
Ba là: Đối với kế hoạch vốn năm 2019, cấp có thẩm quyền tiến hành phân bổ, giao kế hoạch vốn kịp thời để địa phương, các chủ đầu tư còn đủ quỹ thời gian để triển khai thực hiện. Hiện nay giải ngân nguồn vốn ODA tại địa phương đạt thấp (chiếm 7%) trong đó có phần nguyên nhân cấp có thẩm quyền giao vốn khá chậm (đến tháng 7 và tháng 8/2019 mới giao vốn). Mặt khác, cấp có thẩm quyền xem xét, xác định chi tiết các dự án, công trình cần bố trí vốn hoặc bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, tránh trường hợp giao "Kế hoạch vốn thông báo sau" cũng là một nguyên nhân đẩy tỷ lệ giải ngân tại địa phương xuống thấp.
Bốn là: Hiện nay vốn được bố trí cho nhiệm vụ giải phóng mặt bằng tương đối dồi dào (bao gồm vốn kéo dài từ năm 2018 chuyển sang và vốn năm 2019), song công tác giải ngân còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Một số dự án bố trí vốn từ năm 2018 để thực hiện giải phóng mặt bằng, song đến nay vẫn chưa thực hiện được. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư thì nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đóng vai trò quan trọng, cần đi trước một bước. Cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ này cần phối hợp tốt với chủ đầu tư, các ban, ngành nhằm khai thông nguồn vốn này, nhất là việc đền bù, giải tỏa, tái định cư liên quan đến người dân, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân - nhà nước - doanh nghiệp (nhà thầu) sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trường hợp có vướng mắc, ách tắc kịp thời phản ánh với cấp có thẩm quyền (Bộ, ngành, UBND các cấp) để nhanh chóng tháo gỡ.
Năm là: Đối với nguồn kinh phí vượt thu, tiết kiệm được để lại địa phương quản lý, sử dụng, theo quy định của luật NSNN 2015 các khoản chi từ NSNN phải được dự toán. Do đó, các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh khẩn trương sớm hoàn thành các trình tự, thủ tục theo quy định trình cấp có thẩm quyền (UBND, Thường trực HĐND và HĐND cấp tỉnh theo quy định) phê duyệt để kịp thời phân bổ vốn đầu tư và danh mục dự án đến các chủ đầu tư triển khai thực hiện.
Theo Báo Đắk Nông điện tử