THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Vùng nguyên liệu lớn, nhưng quy mô hoạt động còn nhỏ bé nên hiện nay, nhu cầu liên kết, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Nông khá cao. Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp Đắk Nông đang kỳ vọng mở rộng giao thương, hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh bạn.
Nhu cầu hợp tác lớn
Năm 2019, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) dự kiến xuất bán 35.000 tấn cà phê nhân và 2.000 tấn hồ tiêu ra thị trường. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và đạt được con số này, từ nay tới cuối năm, doanh nghiệp sẽ mở rộng thêm diện tích nhà xưởng chế biến lên 3.000m2. Theo ông Trương Công Toàn, Chủ doanh nghiệp thì nguồn nguyên liệu phong phú, thị trường rộng lớn, nhưng nội lực của doanh nghiệp lại có hạn. Vì vậy, hiện tại, đơn vị rất mong muốn được hợp tác, hỗ trợ áp dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất hồ tiêu, cà phê để mặt hàng nông sản sau chế biến, đủ sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Đặc biệt là đơn vị muốn được liên kết với doanh nghiệp cung ứng các thiết bị hiện đại phục vụ chế biến sâu các mặt hàng nông sản như: sấy lạnh, sấy thăng hoa…
Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tham quan tìm hiểu các sản phẩm nông sản tại DNTN Toàn Hằng (Đắk R'lấp) |
Tương tự, Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp, thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa) cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch. Bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX chia sẻ, mọi chi phí đầu tư của đơn vị chỉ mới tập trung cho người nông dân để sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP. Còn các khâu sau sản xuất, đơn vị đang rất cần được hỗ trợ để phát triển. Theo kế hoạch, trong năm 2019, HTX sẽ sản xuất thêm khoảng 10 loại trái cây khác nhau. Vì vậy, trong 1.000 ha sản xuất theo VietGAP sắp tới, đơn vị mong muốn được bắt tay với những đối tác cung ứng những sản phẩm về sinh học như: thuốc trừ sâu sinh học, màng bọc thực phẩm… Về lâu dài, để góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, HTX cũng tìm kiếm đối tác để thiết kế, hoàn thiện các mẫu mã bao bì đóng gói nông sản sau chế biến, phục vụ xuất khẩu…
Bà Quê cho biết thêm, cùng với chất lượng hàng hóa thì bao bì, nhãn mác là vấn đề tưởng chừng nhỏ, nhưng lại đang quyết định khá lớn tới giá trị của mỗi sản phẩm trên thị trường. Đây cũng là vấn đề doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư hơn nữa.
Doanh nghiệp ngành hàng nông sản và dược liệu của Đắk Nông và TP. Hồ Chí Minh trao đổi thông tin hợp tác tại Hội nghị Xúc tiến thương mại - Giao lưu hợp tác cùng phát triển do Hiệp hội Doanh nghiệp Đắk Nông phối hợp tổ chức mới đây |
Đẩy mạnh các hoạt động kết nối
Để tăng cường cơ hội hợp tác giao thương, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh nhiều hoạt động "kích cầu" phát triển thị trường cho các doanh nghiệp.
Trong năm 2019, Sở Công Thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt 7 đề án xúc tiến thương mại, với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.516 triệu đồng. Trong đó, bao gồm 1 đề án xúc tiến thương mại quốc gia và 6 đề án xúc tiến thương mại địa phương. Đến nay, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại đã tổ chức gian hàng chung của tỉnh Đắk Nông tham dự Hội chợ - triển lãm chuyên ngành Cà phê lần thứ 7 năm 2019 tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và 4 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại huyện Đắk R'lấp, Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô. Ngoài ra, đơn vị cũng vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh như: Hội chợ Công nghiệp thương mại Phú Yên năm 2019, Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung (Lào Cai) lần thứ 19 năm 2019, Hội chợ, triển lãm sản phẩm Núi Ấn – Sông Trà năm 2019… Qua đó, không chỉ các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh được nhiều đối tác biết đến, đặt hàng, mà bản thân các đơn vị cũng học hỏi, tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và khai phá thêm những thị trường mới…
Sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp được trưng bày giới thiệu tại Hội nghị do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức |
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp quận Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại - giao lưu, hợp tác phát triển. Qua đó, các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Theo ông Trần Văn Thuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông thì thế mạnh của Đắk Nông rất lớn, nhưng cơ hội để cho các doanh nghiệp bạn biết đến thì không nhiều. Vì vậy, cùng với việc trải nghiệm thực tế tại khu vực sản xuất, tại hội nghị, Hiệp hội đã bố trí cho các doanh nghiệp cùng ngành hàng trao đổi thông tin, nắm bắt cơ hội và trực tiếp "bắt tay" nhau khi đã thỏa hiệp thành công. Thực tế, nhiều bản ký kết hợp tác cung ứng máy móc, thiết bị và các đơn hàng đã nhanh chóng được hiện thực hóa ngay sau hội nghị. Những cơ hội như thế sẽ tiếp tục được đơn vị phối hợp triển khai thực hiện nhiều hơn nữa trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, thời gian qua, đơn vị còn lồng ghép giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tại các hội nghị, diễn đàn đã góp phần không nhỏ để "chắp cánh" cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông vươn xa trên thị trường.
Hy vọng rằng, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương sẽ có nhiều cơ hội hơn để doanh nghiệp Đắk Nông được tiếp cận, giao thương và phát triển.
Theo Báo Đắk Nông điện tử