THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), nhiều người dân trên địa bàn huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã thực hiện được ước mơ thoát nghèo. Cuộc sống bà con cũng vì thế từng bước được nâng cao, con cái được ăn học đến nơi đến chốn.
Nguồn vốn "gõ cửa" người nghèo
Chúng tôi đến nhà ông Y Điểm, bon K62, xã Đắk D'rô (Krông Nô) khi đã hơn 11 giờ trưa, nhưng ông vẫn lúi húi với công việc tưới cà phê trong vườn. Thấy có khách lạ, ông tạm gác công việc, tiếp chúng tôi bên ly trà pha vội.
Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, ông Điểm kể về câu chuyện thoát nghèo của gia đình mình. Là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, rẫy nương ít, nhà đông con nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhiều đứa con lớn phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ lo kinh tế gia đình.
Đầu năm 2011, ông được vay huyện 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH. Có vốn, ông đầu tư chăn nuôi bò. Từ 2 con bò ban đầu, mỗi năm đàn bò lại sản sinh thêm 2 con bê. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", hàng năm, số tiền thu được từ bán bò, ông tái đầu tư vào hơn 1 ha rẫy. Cứ thế, đến năm 2016, ông đã trả được nợ cho ngân hàng và thoát ra khỏi diện nghèo của xã.
Cán bộ NHCSXH Krông Nô xuống thăm mô hình sử dụng vốn vay của gia đình ông Y Điểm, bon K62, xã Đắk D'rô |
Để thoát nghèo bền vững, năm 2018, ông tiếp tục vay của NHCSXH huyện Krông Nô 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ cận nghèo. Sau khi được giải ngân vốn, cùng với chăn nuôi bò, chăm sóc cà phê, tiêu, ông Điểm còn đầu tư chăn nuôi thêm dê, gà thả vườn. Hiện tại, với mô hình tổng hợp này, gia đình ông thu về hơn 150 triệu đồng/năm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Điểm vui mừng: "Hành trình thoát nghèo của gia đình tôi sẽ không thực hiện được nếu như không có sự hỗ trợ từ NHCSXH huyện. Được vay vốn đầu tư vào phát triển kinh tế, gia đình thoát được nghèo khó đeo bám lâu nay. Hạnh phúc hơn là mấy đứa con út của chúng tôi được đến trường học hành đầy đủ".
Cách đó không xa, câu chuyện về sự thoát nghèo của gia đình bà H'Jim càng khẳng định về sự đồng hành của NHCSXH địa phương với người dân nơi đây. Nhà có 8 nhân khẩu, trong khi canh tác được 1,3 ha rẫy. Hàng năm, không có vốn đầu tư, nguồn thu từ rẫy nương không đủ chi phí sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình. Cứ thế, gia đình bà bị cái nghèo đeo bám suốt nhiều năm. Năm 2016, gia đình được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo và 12 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch. Có vốn, gia đình bà được "tiếp sức" vào rẫy, vườn và đầu tư chăn nuôi heo thịt. Sau 4 năm, đến nay, hơn 1,3 ha rẫy được gia đình chăm sóc xanh tốt và đàn heo luôn duy trì từ 10-15 con trong chuồng. Mỗi năm, gia đình bà thu về hơn 140 triệu đồng.
Bà H'Jim cho biết: "Nếu thuận lợi, tầm này năm sau là gia đình tôi có thể trả hết nợ cho ngân hàng khi đến kỳ hạn. Được vay vốn làm ăn, kinh tế gia đình dần dần ổn định. Các thành viên trong nhà vì thế cũng tự tin hơn khi tham gia các hoạt động của bon, xã".
Trường hợp của ông Y Điểm, bà H'Jim chỉ là trong số ít gia đình được vay vốn từ NHCSXH huyện để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô giao dịch với người dân thị trấn Đắk Mâm |
Cho vay đúng đối tượng, hiệu quả
Hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô đang thực hiện khá hiệu quả 14/17 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tổng dư nợ tại đơn vị hơn 357 tỷ đồng. Ông Đào Thái Hùng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô cho biết: Chúng tôi luôn chủ động, tích cực phối hợp các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác triển khai đầy đủ, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, đơn vị chú trọng củng cố, nâng cao hệ thống tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại cơ sở. Việc lựa chọn những cá nhân có năng lực, nhiệt huyết, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để làm tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn cũng được chúng tôi quán triệt sâu sát. Quá trình bình xét vay vốn tại cơ sở được tổ chức công khai. Nhờ đó, hằng năm, nguồn vốn cho vay được đưa đến đúng đối tượng. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tăng cường cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn… Do vậy, nguồn vốn ưu đãi không chỉ "tiếp sức" cho cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo, mà còn giúp địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới.
Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô, trên địa bàn có gần 9.900 hộ nghèo, gia đình thuộc diện chính sách được vay vốn ưu đãi. Nhiều hộ dân trong số này đã thoát nghèo, vươn lên khá giả và trả hết nợ cho ngân hàng. |
Về giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong thời gian tới, ông Đào Thái Hùng cho biết thêm, NHCSXH huyện tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể tăng cường kiểm tra công tác cho vay tại cấp cơ sở. Trên cơ sở này, nâng cao quá trình vay, sử dụng vốn của người dân. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn của bà con, ngân hàng sẽ giải đáp cụ thể, kịp thời. Cùng với hoạt động cho vay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ vay vốn trong quản lý, sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích. Từ đây, NHCSXH huyện cùng đồng hành với người dân, giúp bà con có điều kiện vượt qua hoàn cảnh khó khăn, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo Báo Đắk Nông điện tử