THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Sau khi kiểm tra thực tế tại hộ chăn nuôi, làm việc với lãnh đạo Bộ và địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương: Phòng, chống dịch như chống giặc, do đó cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi; cũng như cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Thủ tướng kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi ở Đông Anh. |
Sáng 19/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đến trang trại lợn ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh để kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi. Đây là một trong những địa phương có số lượng lợn bị tiêu hủy lớn nhất của Hà Nội.
Sau khi trực tiếp thị sát tình hình tại trại lợn của ông Trần Văn Mậu ở xã Tiên Dương, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP. Hà Nội, huyện Đông Anh và các hộ chăn nuôi lợn.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn thành phố có hơn 1,87 triệu con lợn. Hà Nội là địa phương có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước. Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) vào ngày 24/2/2019. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 9.465 hộ chăn nuôi, làm mắc bệnh và tiêu hủy hơn 147.700 con. Trong đó, một số huyện bị ảnh hưởng nhiều là Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn, kể cả một số hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn. Đến nay, có 23 hộ chăn nuôi có số lượng lợn phải tiêu hủy từ 200 con trở lên. Trong đó, hộ có số lượng lợn tiêu hủy lớn nhất là 629 con tại huyện Đông Anh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, chưa bao giờ ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam đối mặt loại bệnh nguy hiểm như này. Mặc dù chúng ta chỉ đạo phòng chống dịch rất sớm, từ tháng 8/2018, khi dịch xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng bệnh vẫn lây lan và vào ngày 1/2/2019, dịch bắt đầu ở địa phương đầu tiên là Hưng Yên. Dù đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nhưng đến nay, bệnh vẫn lây lan ở 34 tỉnh, thành phố. Số lượng lợn tiêu hủy đến nay khoảng 1,5 triệu con, chiếm 5% tổng đàn lợn.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại. Không chỉ những hộ nhỏ lẻ, đến nay, cả những hộ chăn nuôi lớn cũng bị ảnh hưởng. Người đứng đầu ngành Nông nghiệp nhấn mạnh, "tình hình cực kỳ phức tạp".
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NNPTNT và thành phố Hà Nội. |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, sau khi thị sát thực tế tại hộ chăn nuôi lợn tại Đông Anh, "thì thấy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hà Nội, huyện Đông Anh, người dân đã chủ động triển khai phòng, dập dịch tả lợn châu Phi". "Tôi vào hộ ở xã Tiên Dương thì thấy cách làm quyết liệt, hủy cả đàn, chôn lấp đúng kiểu, hỗ trợ người dân kịp thời".
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, do đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam với 2,5 triệu hộ nuôi lợn và do đặc điểm của bệnh (chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh, virus có sức đề kháng cao, sống lâu, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát), cho nên, đến nay, 34 tỉnh, thành phố bị thiệt hại với 5% tổng đàn. Ở Hà Nội, có 24/24 huyện, quận đã bị nhiễm bệnh với 10% tổng đàn bị thiệt hại, còn Đông Anh thì thiệt hại đến 20%.
Thủ tướng lưu ý cảnh báo của FAO (Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hợp Quốc) cho biết dịch tả lợn châu Phi có thể kéo dài. Ở các nước lân cận, cũng bị thiệt hại rất lớn. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương: Phòng chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
"Phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính", Thủ tướng nhấn mạnh. Các cơ sở, địa phương chưa bị dịch thì cần chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống. Nếu có dịch rồi thì cần ngăn chặn lây lan kịp thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ cho người dân một cách kịp thời, chặt chẽ, minh bạch; phải bảo đảm vệ sinh môi trường.
Ngành Thú y giám sát, hỗ trợ các trại lợn sạch trong tiêu thụ thịt lợn để giữ vững niềm tin của người tiêu dùng khi mà hiện nay chúng ta mới bị thiệt 5% tổng đàn, còn 95% vẫn bình thường. Không quay lưng lại với thịt lợn sạch, được kiểm soát, Thủ tướng lưu ý. Phải có biện pháp phát triển các loại sản phẩm khác để bảo đảm đời sống cho nông dân và giải quyết thực phẩm cho người dân, nhất là giai đoạn cuối năm như bò, gà, vịt, cá, tôm… Việc cân đối các loại thực phẩm cung ứng cho người dân rất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương, nhất là nơi tập trung đông dân cư như Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm tình hình, không chủ quan, lơ là. Rà soát các văn bản cần thiết để điều chỉnh, bổ sung, trình Chính phủ để việc giải quyết sát thực tế, khả thi hơn, bảo đảm chống dịch nhưng cũng tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt.
Nhấn mạnh tinh thần hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, cho ngành nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị "bí thư chi bộ, trưởng thôn, bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn, thường vụ huyện ủy ở đây phải thay đổi phương thức, cách làm, phải chỉ đạo quyết liệt để không xảy ra cả huyện. Không thể cách làm cũ sơ sơ được mà phải rất cụ thể, quyết liệt"./.
Theo chinhphu.vn