THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH

"Đánh thức"... Tà Đùng
Ngày đăng 15/02/2018 | 12:08  | View count: 10107

Nằm ở phía Tây Nam của Đắk Nông, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng, ở xã Đắk Som (Đắk Glong) được ví như “Nàng tiên đang ngủ”, cần một “Hoàng tử đánh thức giấc nồng” bởi vẻ đẹp “sơn thủy hữu tình” và nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng còn ở dưới dạng tiềm năng do chưa được đầu tư, khai thác.

Cách thị xã Gia Nghĩa hơn 50 km theo quốc lộ (QL) 28 về phía Lâm Đồng, Khu BTTN Tà Đùng được thành lập ngày 6/1/2003 trên cơ sở chuyển đổi từ Lâm trường Đắk P'lao, nay thuộc địa giới hành chính xã Đắk Som với diện tích hơn 213.000 ha.

Khu BTTN Tà Đùng có khung cảnh thiên nhiên hết sức kỳ thú với 36 hòn đảo lớn nhỏ ngập nước, nhìn từ trên cao giống như "Vịnh Hạ Long thu nhỏ" giữa cao nguyên

Tiềm năng, sức hút lớn

Khu BTTN Tà Đùng có một lớp thảm thực vật rừng rộng lớn với tỷ lệ che phủ tới 85% diện tích vùng lõi. Sự giao thoa của các hệ sinh thái và sinh cảnh phù hợp đã tạo điều kiện cho nhiều loại động, thực vật cư trú, sinh trưởng và phát triển. Hiện tại, Khu BTTN Tà Đùng có 574 loài động vật và hơn 1.400 loài thực vật, trong đó có rất nhiều loài thuộc diện quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Không chỉ là điểm giao thoa về địa lý và sinh học, Tà Đùng còn có vai trò rất quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn của sông Sêrêpốk và sông Đồng Nai. Đây là 2 con sông lớn cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất công - nông nghiệp, điện năng… cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2011, hai nhà máy thủy điện trên sông Đồng Nai ngăn dòng, tích nước tạo hồ thủy điện đã khiến một vùng đất rộng lớn của Tà Đùng ngập trong biển nước. Những đỉnh đồi núi nổi lên trên mặt hồ đã tạo thành cảnh đẹp thiên nhiên hết sức kỳ thú. Giữa hàng ngàn ha mặt nước trong xanh, phẳng lặng, 36 đảo lớn nhỏ nổi lên, nhìn trên cao giống như "Vịnh Hạ Long thu nhỏ" giữa cao nguyên.

Ngoài ra, Khu BTTN Tà Đùng còn có nhiều cảnh đẹp như: đỉnh Tà Đùng cao 1.982 m so với mực nước biển, các thác nước cao hàng chục mét nằm sâu trong những cánh rừng nguyên sinh... và những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Đang chờ… "kén rể"

Theo quy hoạch, Khu Du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng sẽ được thực hiện trên tổng diện tích hơn 225 ha (trong đó có hơn 208 ha khai thác du lịch, còn lại là hạ tầng). Trên diện tích này, khu du lịch sẽ đầu tư, khai thác 3 loại hình: du lịch vui chơi giải trí (vui chơi hồ đảo, vui chơi cụm thác dưới tán rừng), du lịch thể thao mạo hiểm (dưới mặt nước, trong rừng bảo tồn, dã ngoại, sinh thái kết hợp với lưu trú nghỉ dưỡng trong rừng nguyên sinh) và du lịch tín ngưỡng. Tổng kinh phí đầu tư khu du lịch này là hơn 174 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là hơn 39,5 tỷ đồng (chiếm 22,71%), huy động xã hội hóa hơn 97,5 tỷ đồng (chiếm 55,96%) và còn lại là do Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đắk Nông đầu tư. Sau khi được đầu tư, ngành chức năng dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020, khu du lịch sẽ đón 15.000 - 18.000 lượt khách mỗi năm, trong đó có trên 3.000 lượt khách quốc tế.

Nhưng đã nhiều năm sau khi được quy hoạch, diện mạo của Tà Đùng gần như vẫn chưa có gì thay đổi ngoài vẻ đẹp hoang sơ vốn có. Trong khi chờ nhà đầu tư có tiềm năng đến "kết duyên", trong năm 2017, từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, Sở Nông nghiệp - PTNT đã trích hơn 3 tỷ đồng để xây dựng con đường bê tông dài gần 1 km nối từ QL28 đến bãi đỗ xe gần bến thuyền. Khu BTTN Tà Đùng cũng huy động nhân công làm một dãy lều tạm bằng tre nứa để khách đến có thể dừng nghỉ. Trong dãy lều tạm này có một số bàn ghế, lều võng và một số đồ ăn uống để phục vụ du khách.

"Nàng tiên đang ngủ" vẫn quyến rũ du khách

Trong khi chờ đợi các giải pháp đầu tư, quản lý được triển khai thì du khách thập phương vẫn tới Tà Đùng bởi "sức hút" đặc biệt của nó. Những hình ảnh về "Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên" vẫn tiếp tục được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội bởi chính những người trong tỉnh, dân phượt, du khách thập phương... Từ nhiều năm nay, ngành chức năng không hề có con số nào thống kê được số lượng khách đến Tà Đùng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Khu BTTN Tà Đùng thì thời gian gần đây, du khách đến tham quan hồ Tà Đùng vào các ngày nghỉ, dịp lễ tết ngày càng tăng. Cá biệt như dịp lễ Quốc khánh năm 2017, cả ngàn du khách kéo tới Tà Đùng, xe cộ đậu kín bãi đỗ xe và con đường kết nối từ QL28 xuống bến thuyền.

Việc du khách tới cũng tạo ra nguồn thu đáng kể cho các hộ dân làm dịch vụ đưa đón du khách tham quan lòng hồ, phục vụ ăn uống, vui chơi. Theo anh Trần Quốc Long, một chủ thuyền phục vụ khách tại bến thì sau khi mua thuyền với giá gần 200 triệu, anh đã sắm thêm trang thiết bị bảo đảm an toàn và soạn văn bản xin Khu BTTN Tà Đùng cho hoạt động. Anh Long chia sẻ: "Bình thường, tôi chở khách đi tham quan trên hồ với giá bình quân 500.000 - 1.000.000 đồng mỗi đoàn (tùy số lượng người). Ai có nhu cầu ăn uống thì gia đình tôi nấu cơm lam, cá hấp, thịt nướng… phục vụ họ. Tính trung bình, mỗi tháng gia đình tôi cũng thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng từ các dịch vụ này. Bản thân tôi cũng mong muốn các nhà đầu tư sớm vào khai thác để có thuyền bè và các dịch vụ chất lượng phục vụ du khách".

Chúng tôi rời Tà Đùng mà trong lòng có một cảm giác nao nao khó tả. Những câu chuyện, mong ước bình dị của du khách, chủ thuyền và tâm huyết của lãnh đạo, cán bộ Khu BTTN Tà Đùng như nhắc nhở chúng tôi kỳ vọng vào một tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Chúng tôi cũng giống như họ, cũng mong mỏi nơi đây sẽ sớm có nhà đầu tư đủ năng lực tâm huyết tìm đến và xây dựng một khu du lịch nổi tiếng. Và rồi "Nàng tiên" Tà Đùng sẽ "tỉnh giấc ngủ nồng", bước vào đời sống du lịch Đắk Nông với những vũ điệu mê lòng.

 

Tài sản quý của tỉnh Đắk Nông

"Tà Đùng là một tài sản quý của tỉnh Đắk Nông, có giá trị lớn về mặt sinh học và có thể xem là lá phổi xanh của cả khu vực. Trong điều kiện chưa có nhà đầu tư đủ năng lực và tâm huyết đến, tỉnh sẽ tập trung gìn giữ môi trường, đáp ứng một số cơ sở thiết yếu để đáp ứng một số nhu cầu tối thiểu nhất của du khách. Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tập trung kết nối các tuyến tour khác như trên QL14 và QL28 để Tà Đùng trở thành điểm nhấn phát triển du lịch, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư".

(Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông)

 

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá kêu gọi nhà đầu tư

Thời gian qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung và Khu du lịch sinh thái - văn hóa Tà Đùng nói riêng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp và khu du lịch này chưa có nhà đầu tư đủ mạnh. Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tranh thủ nguồn vốn từ Chính phủ để xây dựng các hạng mục như bãi đỗ xe, khu nhà chờ (diện tích 600m2) và mở rộng con đường từ QL28 xuống bến thuyền với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 2 đơn vị cũng đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch để thu hút nhà đầu tư đủ mạnh đầu tư vào khu du lịch trong thời gian sớm nhất".

(Bà Vũ Thị Ái Duyên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông)

 

Giữ chặt những cánh rừng, bảo vệ cảnh tự nhiên của Tà Đùng

Trong điều kiện chờ nhà đầu tư đủ năng lực, việc khách du lịch tới tham quan, vui chơi cũng phát sinh những nguy cơ mất an toàn, môi trường và một số vấn đề khác, ngoài việc yêu cầu các chủ thuyền thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách, đơn vị cũng thường xuyên cắt cử người phối hợp dọn vệ sinh, bảo đảm môi trường xung quanh khu vực luôn sạch sẽ. Đặc biệt, đơn vị luôn cố gắng tăng cường công tác tuần tra, quản lý bảo vệ để giữ chặt những cánh rừng và khung cảnh tự nhiên vốn có của Tà Đùng.

(Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng)

 

 

Theo Đắk Nông online

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 1
Tổng: 0