THÔNG TIN DÀNH CHO DU KHÁCH
Lời Tòa soạn: Để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về truyền thống cách mạng, về vùng đất và con người Đắk Nông, Báo Đắk Nông trân trọng giới thiệu một số nội dung trong cuốn sách “Lịch sử căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1959-1975)” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện, Nhà Xuất bản Lý luận Chính trị phát hành. Cuốn sách gồm 3 chương: Chương I: Vùng đất-Con người và truyền thống; Chương II: Tỉnh Quảng Đức được thành lập, đảm nhận nhiệm vụ xây dựng căn cứ và hành lang chiến lược địa bàn Tây Nguyên xuống chiến trường Đông Nam bộ (1954-1960); Chương III: Cuộc đấu tranh chống Mỹ và bảo vệ hành lang chiến lược Bắc-Nam trên địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung (1961-1975).
Hiện nay, di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến Nâm Nung (còn gọi là căn cứ kháng chiến B4 – Liên tỉnh IV) gồm hai địa điểm Bắc Nâm Nung và Nam Nâm Nung thuộc địa bàn huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong.
Núi Nâm Nung (Krông Nô). Ảnh: Ngọc Tâm |
Di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến Bắc Nâm Nung trải dài trên địa bàn xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Phía Bắc giáp với xã Đắk Rồ, phía Đông Nam giáp với xã Nâm N'Dri, phía Tây Bắc giáp với xã Đắk Rồ và xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, phía Nam giáp với xã Nâm N'Dri. Căn cứ kháng chiến Nam Nâm Nung nằm ở phía núi Nâm Jer Bri, trực thuộc địa phận Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và Lâm trường Đắk N'Tao (nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N'Tao) trên địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, phía Bắc giáp với xã Đắk Môl và Nâm N'Dri, huyện Krông Nô, phía Đông giáp với núi Yok Nor Tou Rdéh, phía Tây giáp với xã Đắk N'Drung và phía Nam giáp với suối Đắk Rung.
Căn cứ kháng chiến Nâm Nung thuộc vùng đất cao nguyên có địa hình hiểm trở, nhiều đồi núi, rừng rậm nguyên sinh, đỉnh cao nhất là 1.546m so với mực nước biển, tạo thế liên hoàn theo hướng Đông Nam. Từ Nâm Nung nối liền với xã Nâm Xoni là căn cứ vững chắc của huyện Khuyên Đức nối liền dãy núi Tà Đùng, phía Tây dãy Tà Đùng là xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), phía Nam là căn cứ kháng chiến tỉnh Lâm Đồng, tạo thành địa thế hiểm trở, núi liền núi, sông liền sông, tạo thế vững chắc cho căn cứ kháng chiến của tỉnh Quảng Đức, Lâm Đồng... trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; thuận lợi cho việc đóng quân, xây dựng và bảo toàn lực lượng cách mạng, đi lại và chiến đấu trong vùng căn cứ.
Đất đai màu mỡ, chủ yếu là đất đỏ bazan, được thiên nhiên kiến tạo nhiều ao hồ, đầm lầy, suối rạch, thuận lợi cho việc phát triển cây lương thực, thực phẩm vừa bảo đảm cho nhu cầu lương thực tại chỗ phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ, thuận lợi cho phát triển cây nông, công nghiệp, như: lúa, ngô, khoai, sắn, cà phê, bông, hồ tiêu,…
Nơi đây chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm. Một năm chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 (dương lịch), mùa khô từ tháng 11 đến cuối tháng 3 năm sau. Mưa nhiều vào tháng 7, tháng 8, tháng 9, nắng nhiều vào tháng 1, tháng 2. Lượng mưa bình quân hàng năm khoảng 2.178mm. Độ ẩm trung bình năm là 81%. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,2o. Nói chung khí hậu nơi đây tương đối mát mẻ, thuận lợi cho việc trồng, phơi sấy các sản phẩm nông, công nghiệp và chăn nuôi gia súc.
Trong tỉnh, đây là địa bàn quốc lộ 14 xuyên qua, là con đường huyết mạch giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa với các miền giữa các tỉnh Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ. Căn cứ kháng chiến Nâm Nung có nhiều cảnh đẹp, là điều kiện tốt để xây dựng điểm văn hóa du lịch và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Địa bàn căn cứ kháng chiến Nâm Nung tập trung nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong đó, dân tộc M'nông là dân tộc bản địa quần tụ lâu đời nhất nơi đây. Từ xa xưa, dân tộc M'nông được phân chia thành các nhóm địa phương như Pnông, Nông, Preh, Bu đâng, Đi Pri, Rơ lan, Chil…; mỗi nhóm địa phương vừa mang trong mình bản sắc chung của dân tộc M'nông, vừa mang một số sắc thái văn hóa riêng của các nhóm địa phương. Vùng căn cứ kháng chiến Nâm Nung với 7 bon đồng bào dân tộc M'nông Preh và 5 bon Nam Nâm Nung là đồng bào dân tộc Prơng…
Người M'nông sống chủ yếu bằng nông nghiệp, canh tác trên đất rẫy là chính. Theo tập quán lâu đời, việc sử dụng đất rẫy (mir) của đồng bào thường theo chế độ luân khoảnh khép kín và luân khoảnh mở rộng. Thời gian luân khoảnh trên đám rẫy tùy thuộc vào độ phì nhiêu của đất đai. Mỗi bon của người M'nông đều có một khu vực canh tác nhất định. Ranh giới đất đai của các bon thường được dựa vào những đặc điểm địa lý tự nhiên như ngọn suối, mỏm đá, đỉnh đồi… để làm mốc phân giới, do các chủ bon liên giới với nhau quy ước, thường đã xác định từ xa xưa và lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Cùng với kinh tế nương rẫy, người M'nông còn chăn nuôi gia súc gia cầm; săn bắt và hái lượm. Một số nghề thủ công của người M'nông đã đạt tới trình độ khá tinh tế như nghề dệt vải có hoa văn, đan lát đồ dùng gia đình bằng mây tre lá, nghề rèn cũng khá phổ biến nhằm rèn công cụ, sửa chữa những đồ dùng bằng sắt, rèn vũ khí (lao, xà gạc…) và một số công cụ khác bằng kim loại.
Truyền thống văn hóa đồng bào dân tộc trên địa bàn Nâm Nung, đặc biệt là nền văn hóa của dân tộc bản địa M'nông, Êđê… hết sức đặc sắc, gắn với hệ thống nghi lễ - lễ hội, liên quan chặt chẽ đến hệ thống thần linh và tín ngưỡng đa thần. Là những cư dân nông nghiệp, nên các lễ nghi đều phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, gắn với nông nghiệp hết sức phong phú như lễ trừ sâu bệnh, lễ cúng giữa vụ lúa, lúc lúa trổ đòng, lễ tuốt lúa, lễ cơm mới; những nghi lễ trong tang lễ, cưới hỏi, lễ lập bon mới,…
Trong lúc thanh bình cũng như trong quá trình kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn duy trì, tổ chức nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng của dân tộc, trong đó có lễ mừng chiến thắng vẫn được tổ chức trong kháng chiến. Có thể nói, những nghi lễ, lễ hội trên địa bàn Nâm Nung nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung rất phong phú, đa dạng, là chất keo gắn kết những con người của cộng đồng thành một khối vững chắc trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc.
Trong quá trình lịch sử và cuộc sống hàng ngày của người M'nông, họ đã sáng tạo ra được một số loại nhạc cụ độc đáo, tuy còn rất thô sơ nhưng phong phú về số lượng và chủng loại: Bộ gõ có dàn chiêng (cĩng), trống (ding gơr), đàn môi (guốc)… Ca hát dân gian rất phong phú và đa dạng, hình thức truyền miệng được coi là phương tiện chủ yếu của đồng bào dùng để chuyển tải văn hóa từ vùng này sang vùng khác, từ đời này qua đời khác, tiêu biểu là những thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ, các luật tục dưới dạng văn vần hay hát đối đáp nam – nữ.
Trong trang phục hàng ngày, nghệ thuật tạo hình được thể hiện rất sinh động. Hoa văn trên nền vải của người M'nông chủ yếu tạo hình theo một mô tuýp truyền thống được cách điệu bằng nhiều hình thức khác nhau. Đàn ông thường đóng khố, rộng chừng 20cm và dài trên 1cm, đàn bà quấn yêng, lấy khăn che ngực. Trong những dịp lễ tết, đàn ông còn mặc thêm một cái áo ngắn không cổ, hở bụng và đàn bà thường quấn yêng màu tím đỏ. Cộng thêm vào đó là những trang sức đi cùng phục trang rất đa dạng. Họ thường đeo những vòng đồng, đeo chồng chất ở cổ tay, cổ chân, càng đeo nhiều càng thể hiện sự giàu sang.
Cũng như các dân tộc khác trên toàn miền sơn nguyên Nam Đông Dương, M'nông vùng căn cứ Nâm Nung là dân tộc có tinh thần yêu độc lập tự do, có truyền thống bất khuất chống xâm lược. Đặc biệt, từ những thế kỷ xa xưa đến thời kỳ cận đại, họ là những dân tộc luôn gìn giữ được cuộc sống độc lập tự do cho quê hương. Khi kẻ thù xâm lược tàn phá quê hương, bon rẫy thì tinh thần yêu nước cũng được nhen nhóm và bùng nổ, kiên cường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương.
Những cuộc đấu tranh trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
Năm 1856, trong lúc triều đình nhà Nguyễn khủng hoảng trầm trọng, nông dân khắp nơi nổi dậy, chính quyền phong kiến ở nhiều địa phương bị tê liệt. Bên ngoài giặc Pháp đang lăm le tìm cớ để vũ trang xâm lược Việt Nam. Nắm được thời cơ thuận tiện, các giáo sĩ ở hội thánh Ba Na liền lập ngay một tòa đại lý ở Kon Tum để cai trị xứ này. Tòa đại lý gồm những quan cai trị mặc áo đen, đeo thập ác, từ năm 1889 trở về sau trực thuộc vào chính quyền của thực dân Pháp ở Lào.
Sau nhiều năm truyền đạo, thăm dò nghiên cứu, khảo sát về cảnh quan địa lý, phong tục, tập quán, tìm hiểu về tình hình chính trị trên địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số tại Nam Tây Nguyên (địa bàn Nâm Nung và vùng lân cận), thực dân Pháp đã dùng lực lượng quân sự đánh chiếm, bình định và thống trị vùng này.
Khu khánh tiết và Tượng đài chiến thắng Khu di tích căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV. Ảnh tư liệu |
Năm 1905, thực dân Pháp chính thức bãi bỏ chế độ "Sơn phòng" của triều đình nhà Nguyễn, trực tiếp đảm nhiệm các vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh trên địa bàn lãnh thổ các tỉnh Tây Nguyên.
Với chế độ thuế khóa của thực dân Pháp, hàng năm, mỗi người Ê đê, M'nông và các dân tộc khác ở Đắk Lắk phải nộp cho chính quyền thực dân một khoản tiền thuế thân và đi làm phu 20 ngày. Cùng với các loại thuế khác như thuế nóc nhà, thuế làm rẫy, thuế voi. Ngoài ra, chính quyền thực dân còn bày ra các chế độ phạt vạ đối với các dân tộc bản địa như: phạt làm hỏng đường sá, phạt làm hỏng các cây, chống lại chính quyền.
Đồng thời, thực dân Pháp đã khuyến khích tất cả các nhà nông nghiệp Pháp đầu tư vốn mở mang đồn điền cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, tại những vùng đất rộng lớn trên địa bàn cư trú của người M'nông, Ê đê. Hàng chục đồn điền trồng cây công nghiệp của tư sản Pháp lần lượt được dựng lên như đồn điền Ca Đa, Đắk Nia, đồn điền lúa ở Nâm Kạ,… Quy mô các đồn điền này ngày càng mở rộng, tỷ lệ thuận với chế độ bắt xâu đối với đồng bào địa phương ngày càng ráo riết và tàn bạo.
Bên cạnh chính sách khai thác kinh tế, thực dân Pháp tập trung ở Tây Nguyên một lực lượng quân sự khá mạnh, ngay tại thị xã Buôn Ma Thuột có một trung đoàn lính khố đỏ (quân cơ động) thường trực là một quan năm (đại tá) chỉ huy và một tiểu đoàn lính khố xanh (quân địa phương) do một quan tư (thiếu tá) chỉ huy.
Năm 1899, thực dân Pháp đã thiết lập tòa Đại lý hành chính tại Bản Đôn (Buôn Đôn). Ngày 22/11/1904, tỉnh Đắk Lắk được chính thức thành lập, tỉnh lỵ đóng tại Buôn Ma Thuột. Từ đây, bộ máy cai trị của chính quyền thực dân Pháp được thiết lập xuống tới các bon, buôn của đồng bào các dân tộc ở Nam Tây Nguyên với mục đích nhằm cắt đứt mọi liên lạc giữa vùng đồng bằng Việt Nam và miền sơn nguyên Nam Đông Dương, một số khu vực đã bình định ở bên kia sông Đắk Sal, Krông Nô sẽ được ngăn chặn nghiêm ngặt.
Cùng với việc cai trị về kinh tế, quân sự, thực dân Pháp thực hiện chính sách "ngu dân" để hòng dễ cai trị vùng Tây Nguyên. Chúng chỉ mở một số trường sơ học bên cạnh một số trường Giáo phận dùng để truyền giáo. Ngoài ra, trên phương diện văn hóa, chúng chỉ thị các tỉnh trưởng Pháp có nhiệm vụ điều chế và góp nhặt tất cả những phong tục tập quán của người sơn cước.
Dưới chiêu bài "bảo vệ và phát triển các chủng tộc Thượng" hoặc "không đụng chạm đến văn hóa bản địa", ngăn cấm đến mức tối đa sự tiếp xúc liên lạc giữa người sơn cước Việt Nam và người đồng bằng, thực dân Pháp đã tạo điều kiện duy trì và khuyến khích phục hồi những hủ tục, mê tín dị đoan trong nhân dân. Mặt khác, mọi sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng đều bị cấm.
Chính sách của Pháp trên các mặt trận chính trị - quân sự, kinh tế và văn hóa – xã hội đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của các dân tộc trên toàn miền sơn nguyên Nam Đông Dương. Trước nguy cơ bị một kẻ thù lớn mạnh cướp mất cuộc sống độc lập và tự do tổ tiên giữ được, các dân tộc miền sơn nguyên Nam Đông Dương hoặc lẻ tẻ, hoặc liên minh phối hợp với nhau vùng lên chống lại bọn xâm lược, đánh vào các đồn bót và cuộc hành quân của giặc; chống thuế, chống xâu, hay lánh cư, bất hợp tác, không phục tùng…
(Còn nữa)
Theo Đăk Nông Online