TIN TỨC - SỰ KIỆN

Kết quả quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ 9 tháng đầu năm 2020
04/11/2020 | 15:31  | View count: 17795

Trong thời gian qua được sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của UBND tỉnh, chính quyền các địa phương đã quan tâm, chú trọng hơn trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và xử lý các trường hợp vi phạm đấu nối, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ; đã có những kế hoạch cụ thể, giải pháp quyết liệt hơn. Qua đó, tạo sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức, ý thứ của người dân về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Một số kết quả cụ thể như sau:

Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các trường hợp vi phạm hành lang an toàn, tiến hành lập biên bản và theo thẩm quyền xử lý; UBND cấp huyện đã chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc tiến hành rà soát, xác minh nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm xây dựng, cơi nới nhà cửa, thống kê, phân loại vật kiến trúc trong phạm vi đất hàng lang an toàn đường bộ để có cơ sở xử lý vi phạm. Đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường theo phân cấp, UBND cấp huyện rà soát hiện trạng phạm vi đất dành cho thoát nước công trình đường bộ. Qua tổng hợp kết quả rà soát, nhìn chung tình hình thoát nước công trình đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư đồng bộ và đảm bảo thoát nước trên tuyến. Tuy nhiên qua kiểm tra, rà soát có một số vị trí hạ lưu cống bị tắc nghẽn dòng chảy; một số rãnh dẫn từ cuối rãnh dọc đến sông suối, ao hồ tự nhiên bị san lấp chặn dòng chảy làm ảnh hưởng đến thoát nước trên tuyến và ảnh hưởng đến chất lượng khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cụ thể trên các tuyến Quốc lộ có 142 vị trí, các tuyến tỉnh lộ có 31 vị trí, các tuyến đường huyện có 62 vị trí, các tuyến đường xã có 35 vị trí. Để đảm bảo thoát nước, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý đường kiểm tra, xác định phạm vi đất dành cho thoát nước công trình đường bộ, bàn giao cho địa phương để xây dựng kế hoạch thu hồi đất theo quy định.

Một số hình ảnh Công ty quản lý sửa chữa đường bộ Đắk Nông khơi thông rãnh thoát nước dọc Quốc lộ 28:

 

Công tác tổ chức vận động, giải tỏa, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, san lấp mặt bằng trái phép trong phạm vi đất hành lang an toàn giao thông, phạm vi thượng, hạ lưu cống thoát nước và các điểm tụ thủy: trên cơ sở Kế hoạch số 1487/KH-SGTVT ngày 3/8/2020 của Sở Giao thông vận tải về việc lập lại trật tự quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; UBND cấp huyện đã chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với Thanh tra Sở GTVT tổ chức vận động các cá nhân, tổ chức vi phạm hành lang an toàn đường bộ tự giác tháo dỡ công trình, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, lập kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp không chấp hành;

Kết quả trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở GTVT đã trực tiếp lập 155 biên bản vi phạm (trong đó: đã ra quyết định xử phạt 140/155 trường hợp với tổng số tiền là 711,35 triệu đồng, chuyển địa phương xử lý 15 trường hợp; đã chấp hành nộp phạt 128/155 trường hợp với tổng số tiền là 579,75 triệu đồng (cộng thêm 202,15 triệu đồng tồn năm trước chuyển sang là 781,9 triệu đồng)). Các địa phương đã tiến hành lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền. Chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức ra quân giải tỏa hành lang an toàn đường bộ dọc tuyến đường đi qua địa bàn mình quản lý, đặc biệt là tại các vị trí họp chợ ven đường, lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán.

Thanh tra Giao thông tỉnh kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông

Sở GTVT đã phối hợp với UBND huyện Đắk R'lấp tiến hành rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông (trong phạm vi dành cho đườngbộ, các vị trí tụ thủy, thượng hạ lưu cống thoát nước), kết hợp công tác rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên tuyến Tỉnh lộ 5; UBND cấp huyện đã chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và UBND cấp xã lập kế hoạch triển khai kiểm tra, rà soát.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định: đối với các tuyến đường địa phương do UBND cấp huyện, xã quản lý, các đơn vị chưa quan tâm công tác bảo trì theo quy định của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư 37/2018/TT-BGTVT ngày 07/6/2018 của Bộ Giao thông vận tải, về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ, dẫn đến cây, cỏ dọc tuyến chưa được phát quang, che khuất các biển báo hiệu đường bộ, tầm nhìn xe chạy, làm ảnh hưởng đến anh toàn giao thông trên tuyến; hệ thống thoát nước chưa được nạo vét, vệ sinh khơi thông dòng chảy, một số vị trí người dân lấp rãnh chặn dòng chảy làm ứ đọng nước, ảnh hưởng đến thoát nước công trình đường bộ và chất lượng khai thác của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Một số hình ảnh công nhân phát dọn cây cối che khuất tầm nhìn trên Quốc lộ 28:

Mặt khác tình trạng đào hạ, san lấp mặt bằng trái phép trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp, dẫn đến gây mất an toàn giao thông trên tuyến, ảnh hưởng đến chất lượng khai thác của công trình đường bộ, đặc biệt là việc đào hạ, san lấp mặt bằng tại các đoạn có nền đường đào sâu, đắp cao; các đoạn nền đường đắp trên sườn dốc làm mất mỹ quan; tăng tải lên mái ta luy âm, tạo áp lực đẩy ngang lên nền đường dẫn đến nguy cơ sạt lở mái ta luy âm, gây mất ổn định cho công trình, ảnh hưởng đến tuổi thọ và khả năng khai thác của tuyến đường.

Các tuyến Quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh hình thành từ lâu, các khu dân cư dọc tuyến tập trung rất đông đúc và đã sinh sống trước khi có quy định về đấu nối vào Quốc lộ (Nghị định 186/2004/NĐ-CP, ngày 05/11/2004). Do đó để xóa bỏ các điểm đấu nối không đúng quy hoạch được duyệt, các vị trí đấu nối không đảm bảo an toàn giao thông, các đường đấu nối từ nhà ở riêng lẻ vào Quốc lộ theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ và Điều 29 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải thì phải di dời các hộ dân, đầu tư xây dựng hệ thống đường gom là vô cùng khó khăn, đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn (đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ di dời; xây dựng khu tái định cư …).

Hiện nay các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ và các tuyến đường địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, đất dành cho thoát nước công trình đường bộ; do đó công tác vận động người dân tháo dỡ, cưỡng chế các công trình nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ gặp khó khăn;

Khi triển khai thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, mốc thời gian các công trình tồn tại trong hàng lang an toàn đường bộ; Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường chưa chặt chẽ như việc phối hợp giữa lực lượng công an, chính quyền địa phương trong việc xử lý các vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và xử lý các trường hợp vi phạm đấu nối, lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ; chưa tổng hợp, báo cáo đúng thời gian quy định, nội dung báo cáo chưa đầy đủ, chưa đi vào trọng tâm, do đó việc theo dõi, chỉ đạo, phối hợp thực hiện chưa đồng bộ; Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân chưa cao nên vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ; đào hạ, san lấp mặt bằng trái phép trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ; lòng, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán; Công chức cấp xã phụ trách lĩnh vực Giao thông - Xây dựng vẫn còn hạn chế về năng lực, một số chưa được đào tạo về lĩnh vực phụ trách dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao.

Để công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và xử lý các trường hợp vi phạm đấu nối, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ trong 3 tháng cuối năm 2020 đạt kết quả tốt hơn nữa cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; đa dạng hóa hình thức và nội dung tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020; Chỉ thị 05/CT-UBND ngày 25/5/2019 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, lập lại hành lang an toàn đường bộ; tập trung ưu tiên tuyên tuyền, vận động, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ tại các vị trí họp chợ ven đường; lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán; tăng cường công tác thanh, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt; xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông; tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

XR