TIN TỨC - SỰ KIỆN

Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên - Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975”
01/06/2020 | 08:40  | View count: 55150

Ngày 29/5, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 tổ chức Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Tây Nguyên - Mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975”. Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo hội thảo.

Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, quân-binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu trong toàn quốc; đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên…tham dự hội thảo.

Văn nghệ chào mừng Hội thảo

Báo cáo đề dẫn Hội thảo do Thiếu tướng Bùi Huy Biết, Chính ủy Quân đoàn 3 nêu rõ: cách đây 45 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã mở chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến 3/4/1975). Sau 1 tháng liên tục chiến đấu, bằng những đòn tấn công bất ngờ, với sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, ta đã tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 - Quân khu 2 quân đội Việt Nam cộng hòa, loại khỏi chiến đấu hơn 28.000 địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự, 17.188 súng các loại, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh Duyên hải miền Trung.

Lãnh đạo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Quân đoàn 3 chủ trì Hội thảo

Chiến thắng Tây Nguyên có ý nghĩa to lớn trong thời điểm quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm đảo lộn toàn bộ thế trận của địch, đẩy chúng đi từ những sai lầm về chiến thuật, chiến dịch đến sai lầm về chiến lược, mở ra thời cơ để quân và dân ta bước vào cuộc Tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Chiến thắng Tây Nguyên còn là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, bổ sung nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nghệ thuật tổ chức, thực hành chiến dịch cho các chiến dịch tiếp theo, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử Xuân 1975.

Đông đảo các đại biểu về tham dự Hội thảo 

Trong mấy thập niên qua, chiến thắng Tây Nguyên đã được tìm hiểu, nghiên cứu, làm sáng tỏ ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Song, với tầm vóc, ý nghĩa to lớn, chiến thắng Tây Nguyên vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, luận giải để phát huy hơn nữa kinh nghiệm và bài học trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo đã nhận được hơn 80 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các quân khu, quân đoàn, quân - binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng vấn đề cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn chiến thắng Tây Nguyên…

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Hội thảo cũng là hoạt động kỷ niệm 45 năm chiến thắng Tây Nguyên, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, tri ân công lao của những người con đã ngã xuống cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời, hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.

TS-Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam khai mạc Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương khẳng định: Hội thảo làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, ý chí, tinh thần mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vai trò đóng góp của các lực lượng vũ trang và Nhân dân, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng, phát huy vào thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 kể lại kỷ niệm về nghệ thuật nghi binh và thực hành chiến dịch Tây Nguyên

Với tinh thần đó, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, toàn quân cần phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học từ chiến thắng Tây Nguyên lịch sử, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với chăm lo xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân vững mạnh, chú trọng những địa bàn chiến lược, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, toàn quân bố trí, sử dụng lực lượng hợp lý, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Báo Đắk Nông điện tử