TIN TRONG NƯỚC

Tôn vinh nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Ngày đăng 24/01/2019 | 13:53  | View count: 50521

Với nhiều hoạt động phong phú, da dạng, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông đã thành công tốt đẹp, để lại trong lòng người dân, du khách những ấn tượng sâu sắc về nét văn hóa đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và một số quốc gia có nét văn hóa tương đồng như Lào, Campuchia và Indonesia.

Hội tụ những nét văn hóa đặc sắc

Tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, đội nghệ nhân của thôn Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku vinh dự được chọn để đại diện cho tỉnh Gia Lai tham gia hầu hết các hoạt động, từ triển lãm thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm, trình diễn thời trang thổ cẩm, lễ hội đường phố đến phục dựng nghi lễ truyền thống…

Cam Hà Giang được giới thiệu tại lễ hội

Theo ông Yaih, Trưởng thôn Chuét 2, trước khi lễ hội diễn ra khoảng 1 tháng, không khí tại thôn đã bắt đầu rộn ràng. Các nghệ nhân từ già đến trẻ vừa tranh thủ đi làm, vừa tập trung tập luyện. Từng họa tiết, màu sắc tấm thổ cẩm đều được lựa chọn tỉ mỉ. Các mô hình nhà mồ, con trâu, cây nêu đều được trau chuốt sao cho giống nhất, đẹp nhất. Với sự chuẩn bị trau chuốt, tỉ mỉ, các hoạt động của đoàn tại lễ hội đều đánh giá cao. Tiêu biểu, nghệ nhân Rah Lan Yưng vinh dự được Ban tổ chức lễ hội công nhận là nghệ nhân xuất sắc tại phần thi dệt thổ cẩm. Phần phục dựng lễ Pơthi cũng được trao giải A. Bên cạnh đó, các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc "Tây Nguyên vào hội" và hát dân ca Bahnar, Jrai cũng thu hút sự quan tâm, thích thú của khách tham quan.

Tại lễ hội, người dân và du khách cũng được hòa mình vào những điệu múa T'tung-Zază rất quyến rũ của những chàng trai, cô gái Cơ Tu cùng những nét độc đáo của thổ cẩm truyền thống của thôn Đròong, xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam).

Nghệ nhân Alăng Thị Thảo đến từ huyện Đông Giang cho biết: "Văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu vốn rất phong phú và đa dạng, với điệu múa T'tung-Zază, nghề dệt thổ cẩm và nghệ thuật nói lý - hát lý được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt, huyện Đông Giang đang duy trì 1 làng nghề dệt thổ cẩm Đròong rất hiệu quả. Lễ hội lần này chính là dịp để các nghệ nhân của làng nghề giới thiệu các sản phẩm đẹp, chất lượng, mang đặc trưng văn hóa của dân tộc mình đến các bạn bè trong và ngoài nước".

Theo các nghệ nhân tham gia lễ hội, các hoạt động được tổ chức có chiều sâu, phong phú và ý nghĩa, tạo môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương trong nước cũng như bạn bè quốc tế giao lưu, giới thiệu và tìm hiểu nét đẹp văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền, đất nước.

Nghệ nhân Lầu Chá Của đến từ huyện Đồng Văn (Hà Giang)cho biết: "Tôi rất vui khi được tham gia lễ hội. Ngoài sản phẩm thổ cẩm làm từ chất liệu cây lanh là đặc trưng của vùng Cao nguyên đá, chúng tôi còn mang đến những sản vật nổi tiếng như cam, tiếng sáo, điệu khèn... Đổi lại, chúng tôi cũng được tận mắt nhìn thấy những nghi lễ, tập tục truyền thống, nghe tiếng đàn T'rưng, tiếng cồng chiêng của các dân tộc ở Tây Nguyên. Quan trọng nhất là chúng tôi có cơ hội được tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về việc bảo tồn giá trị văn hóa của các dân tộc anh em".

Phục dựng lễ hội của đồng bào Khmer (tỉnh Cà Mau)

Khơi gợi tình yêu thổ cẩm trong cộng đồng

Ngay từ đầu, Ban tổ chức đã xác định Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 1 là một trong những hoạt động quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống thổ cẩm của các dân tộc cũng như khơi gợi tình yêu thổ cẩm trong lòng công chúng. Để làm được điều này, nhiều hoạt động quan trọng đã được xây dựng, triển khai chu đáo, chi tiết.

Trước tiên phải kể đến Hội thảo khoa học về văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân-người trực tiếp lưu giữ, bảo tồn dệt thổ cẩm của dân tộc đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận về thực trạng, nguyên nhân, giải pháp, hướng đi cho thổ cẩm. Các đại biểu cho rằng, để thổ cẩm không bị mai một, có sức sống bền bỉ thì ngoài lưu giữ hồn cốt truyền thống trong các lễ hội, các địa phương cần nghiên cứu đưa thổ cẩm vào trường học, đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Không gian thực nghiệm nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ và Cơ Ho (Lâm Đồng)

Nhà nghiên cứu Linh Nga Niek Dăm (Trung tâm phát triển nông thôn Tây Nguyên) cho rằng, cách bảo tồn và phát triển hiệu quả nhất là làm thế nào để nghề dệt thổ cẩm truyền thống thực sự "sống" trong cộng đồng của mình. Để làm được điều này, chính quyền các địa phương cần kết hợp với các tôn giáo, trường học động viên, khuyến khích học sinh vùng dân tộc khi đi học mặc trang phục truyền thống một ngày trong tuần. Mỗi thành viên trong gia đình đều có một bộ trang phục truyền thống. Một khi thổ cẩm tồn tại trong cuộc sống hàng ngày sẽ có tác dụng nhắc nhở, nâng cao ý thức người dân về việc giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Theo đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I với những chuỗi hoạt động đặc sắc đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của mỗi dân tộc. Đây không chỉ là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc cả nước giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó mà còn là "cầu nối" để các nghệ nhân gặp gỡ các nhà thiết kế trong và ngoài nước, đưa văn hóa thổ cẩm đến với đông đảo công chúng và bạn bè quốc tế. Sau lễ hội, về phía tỉnh Đắk Nông sẽ tổng kết, đánh giá, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp, hướng đi phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống địa phương và duy trì bền vững việc tổ chức lễ hội văn hóa thổ cẩm trong những năm tiếp theo.

Có thể nói, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I đã khép lại, song những nét đẹp của từng hoa văn, sắc màu thổ cẩm cùng nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách. Và giờ đây mỗi người sẽ cùng chờ đợi, hẹn ngày đến với lễ hội lần sau để được thưởng thức, hòa mình vào không gian văn hóa đậm chất truyền thống của đồng bào dân tộc các dân tộc Việt Nam.

Theo Đắk Nông Online