TIN TRONG NƯỚC

Đồng bào là chủ thể trong việc bảo tồn trang phục truyền thống
Ngày đăng 24/10/2018 | 07:35  | View count: 81136

Trang phục truyền thống là một di sản văn hóa độc đáo và mỗi dân tộc đều có một trang phục riêng biệt rất dễ nhận biết. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong việc bảo tồn, duy trì nhưng nét văn hóa đặc sắc của trang phục truyền thống vẫn được cộng đồng các dân tộc quan tâm, trân trọng.

Để các sản phẩm thổ cẩm có chỗ đứng trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của đồng bào thì cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng

Vẫn mặc khi có việc quan trọng

Theo truyền thống, trang phục của đồng bào các dân M'nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung là đàn ông mặc khố, đàn bà mặc váy. Váy của phụ nữ thường dài quá mắt cá chân, áo chui đầu vừa sát thân, dài tới thắt lưng và kín tà. Nửa thân áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn đặc trưng của từng dân tộc. Điều đáng nói là hiện nay bà con vẫn thường mặc các trang phục truyền thống của dân tộc mình tại các sự kiện, lễ hội quan trọng.

Tại bon Phaikon Pruđăng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), nơi có hơn 90% dân số là người M'nông, ngoài những bộ quần áo may sẵn bán trên thị trường, bà con cũng hay mặc trang phục thổ cẩm mỗi khi có dịp. Theo bà con, do đặc thù công việc làm nương rẫy nên trang phục truyền thống chỉ mặc vào các dịp tết, lễ hội mà thôi.

Bà H'Liên cho biết: "Tôi có một bộ trang phục truyền thống,  khi nào địa phương có sự kiện gì quan trọng hay lễ, tết thì mới sử dụng. Người ta sao mình vậy thôi, miễn sao mặc thoải mái, phù hợp là được". Ông Y Bông cũng cho hay: "Ngày xưa, đàn ông mặc khố, đàn bà mặc váy nhưng hiện nay chỉ vào các dịp cần thiết mới mặc. Những người già như chúng tôi vẫn luôn nhớ đến trang phục truyền thống".

Trang phục truyền thống là niềm tự hào của các dân tộc

Tại bon Bu N'Drung, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), các bà, các mẹ lớn tuổi cũng thường mặc váy, với các họa tiết hoa văn được in sẵn lên mặt vải. Chị Thị Trâm cho hay: "Tôi cũng có một bộ váy áo truyền thống của dân tộc mình, thi thoảng gia đình, bon làng có việc gì trọng đại mới mặc đến, dù sao không quên là được"…

Đồng bào cần hiểu, trân trọng, tự hào

Những năm qua, ngoài việc tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, cấp phát thổ cẩm, tỉnh cũng luôn tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để trang phục truyền thống các dân tộc có dịp tỏa sáng như tổ chức lễ hội, hội thi trình diễn, trưng bày, giới thiệu trang phục truyền thống…

Đồng bào thường mặc trang phục truyền thống mỗi dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng

Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, ngành văn hóa đã đầu tư mua được 384 bộ trang phục của người M'nông, Ê đê (gồm 14 bộ nam, nữ  Êđê và 370 bộ nam, nữ M'nông), 232 đai chít đầu...Các trang phục này hiện giao cho Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh và đội văn nghệ dân gian các huyện, thị xã lưu giữ và sử dụng.

Bà H'Hiền, Phó Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đắk Glong cũng cho hay: "Hiện tại, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân duy trì, gìn giữ nghề, tại các ngày hội văn hóa các dân tộc, huyện cũng tổ chức các hoạt dộng như dệt thổ cẩm, thi trình diễn trang phục truyền thống… để đồng bào có thể mặc và tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình".

 

Ông Trần Khương, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đắk R'lấp cho biết: "Vấn đề gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thì có rất nhiều giải pháp đặt ra nhưng điều quyết định nhất đó là người dân-chủ thể của văn hóa quyết định. Tuyên truyền, vận động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, chính đồng bào cần phải nhận thức được giá trị, vai trò của văn hóa truyền thống thì mới biết mình cần phải làm gì để bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình".

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vấn đề bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là một quá trình lâu dài và không hề đơn giản. Muốn bảo tồn, phát huy những thành tố văn hóa này trong đời sống có nhiều cách, trong đó cần tôn trọng và tạo ra không gian, môi trường văn hóa thích hợp. Điều quan trọng nhất đó là ý thức của người dân-những chủ thể sáng tạo và hàng ngày sử dụng sản phẩm mình làm ra phải hiểu được giá trị của nó. Do vậy, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm giúp đồng bào nâng cao nhận thức, hiểu và trân trọng, tự hào về giá trị của di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng, từ đó có ý thức giữ gìn, tôn vinh, tự bảo tồn.

Theo Đắk Nông Online