TIN NỔI BẬT

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 26/05/2022 | 08:07  | View count: 4699

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang có nội dung chất vấn Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ chế chính sách về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập tại thành phố Gia Nghĩa.

 

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Ngày 20/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký thay Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính văn bản Số 451/TTg-KGVX về việc trả lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Báo Đắk Nông đăng tải nguyên văn nội dung chất vấn, trả lời chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV như sau:

Ngày 06/10/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, theo đó, nhà giáo được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo 06 mức khác nhau, trong đó có 03 mức phụ cấp căn cứ vào địa bàn giảng dạy ở "vùng đồng bằng, thành phố, thị xã" hay ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Trên cơ sở quy định này và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ năm 2005 đến năm 2020, các giáo viên đang giảng dạy tại thành phố Gia Nghĩa đều được hưởng mức phụ cấp theo địa bàn "miền núi". Điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định tại Công văn số 516/BGDĐT-TCCB ngày 25/07/2013 gửi Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông về việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo.

Điều này hoàn toàn phù hợp, bởi vì theo Quyết định số 172/2006/QĐ-UBDT ngày 07/07/2006 của Ủy ban Dân tộc thì thị xã Gia Nghĩa, nay là thành phố Gia Nghĩa được xác định là vùng cao (vùng cao theo quy định hiện hành có tiêu chí cao hơn so với miền núi). Cụ thể, tiêu chí vùng cao là: (I) Xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao 600m trở lên so với mặt nước biển; (II) Huyện vùng cao là huyện có 2/3 số xã là vùng cao; (III) Tỉnh vùng cao là tỉnh có 2/3 số huyện là huyện vùng cao, trong khi tiêu chí miền núi là: (I) Xã có 2/3 diện tích đất đai tự nhiên có độ cao 200m trở lên so với mặt nước biển; (II) Huyện miền núi là huyện có 2/3 số xã là miền núi; (III) Tỉnh miền núi là tỉnh có 2/3 số huyện là huyện miền núi.

Với tiêu chí này, hiện nay cả nước có 136 đơn vị cấp huyện được Ủy ban Dân tộc xác định là vùng cao, trong đó có những đơn vị là thành phố nhưng vẫn được xác định là vùng cao như Thành phố Sa Pa, Thành phố Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Bảo Lộc,...

Ngày 12/11/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4854/BGDĐT-NGCBQLGD xác định thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông được thành lập theo Nghị quyết số 935/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên "nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo tiêu chí ở vùng đồng bằng, thành phố, thị xã". Đến ngày 27/10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có Công văn số 4020/BGDĐT-NGCBGD trả lời "không có căn cứ để áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi cho các giáo viên của thành phố Gia Nghĩa theo tiêu chí miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa".

Việc ban hành các văn bản này của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa đúng thẩm quyền vì "việc xác định địa bàn miền núi thực hiện theo quy định của Ủy ban Dân tộc". Đồng thời, các văn bản này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo ra sự không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật tại các địa bàn thành phố được xác định là "vùng cao", "miền núi" và khác với chính hướng dẫn trước đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Công văn số 516/BGDĐT-TCCB ngày 25/7/2013).

Như vậy, cùng một chính sách được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhưng cách áp dụng tại một địa bàn ở những thời điểm khác nhau lại khác nhau (thành phố Gia Nghĩa), tại các địa bàn có cùng tiêu chí cũng khác nhau, thậm chí có địa bàn có tiêu chí thấp hơn. Điều này đã tạo nên sự mất công bằng đối với giáo viên các địa bàn miền núi, vùng cao. Đặc biệt, với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của hơn 700 giáo viên đang giảng dạy trên địa bàn Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, khi mà các giáo viên đang bị ảnh hưởng rất lớn về việc làm, thu nhập do tác động của dịch Covid-19 nhưng lại bị truy thu số tiền phụ cấp chênh lệch đã được hưởng.

(3) Liên quan đến nội dung này, tôi nghiên cứu và chuyển kiến nghị của cử tri đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (ngày 07/12/2020, nhắc lại ngày 16/4/2021 và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản trả lời ngày 29/4/2021). Sau khi nghiên cứu văn bản trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã 02 lần gửi chất vấn bằng văn bản đến đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng chỉ nhận được trả lời bằng Công văn số 2465/BGDĐT NGCBQLGD ngày 15/6/2021 và Công văn số 4920/BGDĐT NGCBQLGD ngày 27/11/2021 (đều do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký) là chưa đúng quy định tại Điều 50 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Xin trân trọng báo cáo và mong nhận được sự quan tâm của Thủ tướng. 

TRẢ LỜI:

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và trân trọng cảm ơn sự quan tâm và trách nhiệm trước cử tri của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang về những vấn đề nêu trên và trả lời ý kiến chất vấn của Đại biểu như sau:

Ý kiến Đại biểu phản ánh đúng thực tế có việc một số nơi hướng dẫn, áp dụng thực hiện chính sách đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập ở miền núi không thống nhất và chưa phù hợp với quy định.

Việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định này có quy định 03 mức phụ cấp căn cứ vào địa bàn ở "vùng đồng bằng, thành phố, thị xã" hay ở "miên  núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa".

Việc quy định địa bàn là miền núi, vùng cao đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc giao cho Ủy ban Dân tộc quy định xác định cụ thể tại nhiều văn bản (các Quyết định số: 50/2016/QĐ-TTg ngày 03 tháng 11 năm 2016, số 72/QĐ-TTg ngày 16/01/2021, số 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ; các Quyết định số: 393/2005/QĐ-UBDT ngày 29/08/2005, số 447/QĐ-UBDT ngày 19/09/2013 của Ủy ban Dân tộc...).

Theo đó, đến ngày 03/06/2021 cả 8/8 đơn vị hành chính của thị xã/thành phố Gia Nghĩa thuộc địa bàn miền núi và như vậy, giáo viên ở toàn bộ 8/8 đơn vị hành chính này được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo quy định.

Từ ngày 04/06/2021, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, thành phố Gia Nghĩa còn 02 đơn vị cấp xã (phường Quảng Thành, xã Đắk Nia) được xác định là thuộc vùng miền núi. Do vậy, từ ngày 04/06/2021, giáo viên ở hai đơn vị hành chính nêu trên tiếp tục được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn các địa phương có liên quan thực hiện thống nhất chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập theo đúng quy định, không để tình trạng áp dụng không thống nhất, ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của một bộ phận giáo viên.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành liên quan thường xuyên rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung kịp thời cơ chế, chính sách đối với giáo viên.

Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử