TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Nâng cao chất lượng, thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 24/04/2019 | 08:44  | View count: 175314

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, ngành chức năng, các huyện, thị xã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chương trình, dự án về việc làm, phát triển thị trường lao động. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong năm 2018, số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm của tỉnh là 18.280 lượt người, đạt 101,5% kế hoạch năm, trong đó: Số lao động được tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm trong nước là 18.104 lượt người, chiếm 99,03% tổng số lao động được tạo việc làm. Số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 176 lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cấp ủy, chính quyền một số xã, phường chưa thật sự quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, triển khai còn mang tính hình thức, thông tin đến với người lao động còn chậm; công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động chưa thực sự tương xứng với tiềm năng về nguồn lao động dồi dào của tỉnh, tỷ lệ người lao động tham gia xuất khẩu lao động còn khiêm tốn; giải quyết việc làm chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp nên thiếu tính ổn định, năng suất lao động nhìn chung còn thấp; hằng năm, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp ở các trường chuyên nghiệp và trường nghề có nhu cầu về việc làm rất lớn nhưng thực trạng, khả năng giải quyết việc làm tại tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác hướng nghiệp cho lao động chưa được quan tâm đúng mức, nhận thức của người lao động về học nghề còn hạn chế; việc khai thác nguồn dữ liệu liên quan đến lao động việc làm chưa đạt hiệu quả cao; công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách về việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động chưa được thường xuyên, sâu rộng, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Mặt khác, nhiều lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nhưng trình độ học vấn, ngoại ngữ, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua và tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, góp phần hoàn thành và vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm của tỉnh năm 2019, các cấp, các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nội dung như: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc làm, xuất khẩu lao động, Nghị quyết số 33/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về Chương trình việc làm tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản, chính sách liên quan. Chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tạo việc làm, gắn với chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động trong nông thôn và đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức kinh tế, tổ chức đoàn thể, xã hội, cá nhân tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện đạt hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc làm, chính sách hỗ trợ của Nhà nước một cách đầy đủ, chính xác đến từng đối tượng có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động, tìm việc làm.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Sở, Ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tổ chức có hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã; triển khai cập nhật thông tin thị trường lao động cung - cầu hằng năm để xây dựng kế hoạch đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra sau đào tạo cho các doanh nghiệp; Đa dạng hoá các hình thức đào tạo nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động, nhất là đối với các ngành có thu hút nhiều lao động tham gia; Thực hiện tốt các hình thức cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động và người sử dụng lao động như: Tư vấn miễn phí về đào tạo nghề và việc làm cho người thất nghiệp, người thiếu việc làm; tư vấn miễn phí chương trình giáo dục nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; tư vấn về pháp luật lao động liên quan đến việc làm, ...; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, đánh giá diễn biến của thị trường lao động để đề xuất các giải pháp xử lý hiệu quả,...

Giải quyết việc làm là một trong những vấn đề lớn, phức tạp, sống động theo cơ chế thị trường, cần có hệ thống chính sách, biện pháp đồng bộ để giải quyết hiệu quả vấn đề này. Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân cần nhận thức và thực hiện tích cực chủ trương, chính sách giải quyết việc làm, góp phần ổn định xã hội, tăng trường bền vững.

H.M