Tổng quan về Đắk Nông
TIÊU ĐIỂM
Xây dựng sản phẩm đặc thù công viên địa chất (CVĐC) đủ sức cạnh tranh với thị trường là một trong những mục tiêu mà CVĐC Đắk Nông đang hướng đến. Bởi khi đã có tên tuổi và đủ lực, các sản phẩm đó sẽ được mang trưng bày, giới thiệu tại các trung tâm thông tin thuộc hệ thống CVĐC toàn cầu của UNESCO.
Đắk Nông là vùng đất có rất nhiều tiềm năng cũng như lợi thế để xây dựng các sản phẩm đặc thù CVĐC. Ngoài điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với các cây trồng như cà phê, tiêu, khoai lang, đậu đỗ thì còn có các loại dược liệu quý như sâm cau, đinh lăng, sâm dây…
Một số sản phẩm của địa phương như cà phê Dano, cà phê Enjoy, khoai lang Tuy Đức… đã xây dựng được thương hiệu nhưng chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các thương hiệu khác trên thị trường. Một phần là do các doanh nghiệp, người sản xuất hầu như ít quan tâm đến khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh chưa cao.
Các sản phẩm ít được quảng bá nên sự cạnh tranh chưa cao |
Mặt khác, với sự quy tụ của hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, trong đó văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa M'nông, Mạ, Ê đê vô cùng độc đáo. Một số lễ hội truyền thống thu hút đông đảo người dân cũng như du khách tham gia.
Hiện nay, ở một số bon làng trên địa bàn tỉnh, nhiều gia đình vẫn còn duy trì một số ngành nghề thủ công truyền thống, đặc trưng của dân tộc như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần… Ngoài việc phục vụ sinh hoạt của gia đình, một số hộ còn làm bán cho những ai có nhu cầu, ký gửi tại một số điểm du lịch nhưng số lượng đầu ra rất hạn chế.
Đan lát truyền thống - nét văn hóa độc đáo của đồng bào M'nông, Mạ, Ê đê |
Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông, một sản phẩm đạt tiêu chí của CVĐC thì phải đạt chất lượng cũng như tiêu chuẩn từ khâu trồng trọt, chăm sóc, nguyên liệu, chế biến, dịch vụ trên thị trường. Tiềm năng nhiều nhưng cách làm từng sản phẩm chưa ổn. Một trong những khó khăn lớn nhất của việc xây dựng sản phẩm đặc thù vùng CVĐC chính là vấn đề xây dựng hệ thống nhãn mác, bao bì, bộ nhận diện thương hiệu… Ở góc độ địa phương thì hầu như việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, có chăng cũng chỉ là quảng bá một cách èo uột. Mặt khác, nguồn nhân lực phát triển maketing còn thiếu và yếu nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Ngoài việc duy trì nghề dệt phục vụ nhu cầu gia đình, nhiều hộ dân còn bán ra thị trường |
Do đó, việc xây dựng nhãn hiệu cho các đặc sản, sản phẩm vùng CVĐC là hết sức cần thiết. Bởi nó không đơn thuần là đăng ký bảo hộ mà còn bảo vệ, gìn giữ và phát triển nhằm nâng cao uy tín của chủ thể tạo ra chúng. Một khi nhà sản xuất tiếp cận và đáp ứng đủ các tiêu chí thiết yếu của thị trường thì sản phẩm đó sẽ đứng vững…
Vì vậy, để bảo đảm tính cạnh tranh, làm chủ thương hiệu, hiện tại Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông đang kêu gọi sự hợp tác, ký kết giữa các đối tác thuộc CVĐC. Tất cả các sản phẩm của các đối tác sẽ lấy nhãn mác của CVĐC Đắk Nông và bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của CVĐC. Có như vậy sản phẩm mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Theo Báo Đắk Nông điện tử