TIÊU ĐIỂM

Đá bazan trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông có hình thù kỳ lạ, đều đặn như được thiết kế sẵn bởi bàn tay của tạo hóa
Ngày đăng 01/06/2020 | 09:29  | View count: 17071

Những bãi đá cột bazan, mỏ đá bazan dạng cột được xem là một trong những kiệt tác hoàn mỹ được sắp xếp bởi một bàn tay thiên tạo vô hình khổng lồ của Tạo hóa.

Trên thế giới, bãi đá cột Giants Causeway (thuộc đất nước Ai len, Vương quốc Anh) là một khu vực được UNESCO công nhận là Di sản thế giới khi nơi đây có khoảng 40.000 cột đá bazan được xếp đan xen nhau, là kết quả của những vụ núi lửa phun trào cách đây từ 50- 60 triệu năm. 
 

Bãi đá cột Giants Causeway. Ảnh theo: Internet.

 

Hình dạng của những cột đá này là do hoạt động của núi lửa, nham thạch phun lên từ núi lửa chảy ra sát biển, khi gặp nước biển lạnh liền bị đông cứng lại, cùng lúc xảy ra hiện tượng ứng lực. Do đó gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo các mạch dọc, ngang, xiên làm cho những cột đá bị cắt thành nhiều khúc. 

Ở Việt Nam cũng có một ghềnh đá tuyệt đẹp với cơ chế thành tạo tương tự, đó là Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên). 

Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên). Ảnh theo: Internet.

 

Tương tự như những khu vực trên, Công viên địa chất Đắk Nông cũng được tạo hóa ưu ái cất giữ một trữ lượng đá bazan cột khá lớn, có tuổi tạo thành trong khoảng thời gian từ 5,3 - 0,78 triệu năm. Điều thú vị là, đá bazan cột trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông rất đa dạng về hình dạng và kích thước, từ những cột đa giác, lục giác dạng trụ, đến các tảng dạng khối to lớn với nhiều "vân đá" kỳ lạ trên bề mặt.

Lý giải về cơ chế thành tạo của các bãi/mỏ đá bazan cột, các nhà khoa học cho rằng: Khi núi lửa phun trào, các dòng dung nham nóng chảy (nhiệt độ từ 12000 - 14000C) chảy tràn trên bề mặt địa hình cổ và được tích tụ tại những nơi có địa hình thấp. Trong quá trình nguội lạnh, đông cứng và co rút thể tích, nếu môi trường hoàn toàn đồng nhất và yên tĩnh thì sẽ hình thành basalt dạng cột. 

Kích thước cột đá phụ thuộc vào thành phần dung nham và môi trường thành tạo. Hình dạng/tiết diện cột thường có hình đa giác, phổ biến nhất là 5 - 6 mặt/cạnh. Đường kính của cột dao động từ một vài chục centimet đến 100cm, cá biệt có thể lớn hơn. Chiều dài cột dao động từ vài chục centimet đến hàng mét. Thành phần dung nham càng đồng nhất (ít chất bốc, không lẫn vật chất ngoại lai…), môi trường nguội lạnh - đông cứng càng ổn định và yên tĩnh thì cột đá basalt có kích thước càng lớn.

Bãi đá bazan cột tại khu vực thác Băng Rup (thác Trinh Nữ) huyện Cư Jút. Ảnh: Võ Anh Tú


Bãi đá bazan cột nằm "ngổn ngang" tại khu vực thác Băng Rup (thác Trinh Nữ) huyện Cư Jút. Đặc điểm nứt nẻ đã tạo nên cho đá bazan ở đây những "vân đá" có hình thù kỳ lạ và đều đặn như được thiết kế sẵn bởi bàn tay của tạo hóa, hiếm nơi nào có được. Nhiều khối đá có kích thước dài tới vài mét, nằm chồng chất chìm nổi bên lòng sông. 

Có thể nói rằng, các bãi đá cột bazan là một một trong những điểm đến hấp dẫn trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng sự kỹ vĩ, trường tồn của Mẹ Tự nhiên và thích thú khi nhận ra rằng, những bãi đá thiên tạo này cách chúng ta hàng triệu năm tuổi! 

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông nên có những phương án khoanh vùng bảo tồn những bãi đá bazan cột độc đáo và vô giá này thành những "Bảo tàng trưng bày đá" tự nhiên ngoài trời, để giúp thế hệ sau hiểu được một giai đoạn lịch sử kiến tạo địa chất của vùng đất "M'nông" giàu di sản này. 


Bạch Vân