TIN TỨC NGÀNH ĐIỆN

Thúc đẩy chuyển đổi số tại các cơ sở bán lẻ
Ngày đăng 13/06/2022 | 13:32  | View count: 2351

Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những nhiệm vụ đầu tiên trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Hoạt động này đang được các cơ sở kinh doanh, bán lẻ trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tích cực. Thanh toán thuận tiện

Thanh toán thuận tiện     

Cửa hàng Mami Mart (Gia Nghĩa) hiện đang bán các mặt hàng cho trẻ kèm dịch vụ chăm sóc mẹ và bé. Để thuận tiện trong việc thanh toán cho khách hàng, ngay từ khi đi vào hoạt động, cửa hàng đã áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện tại, cửa hàng đang sử dụng 3 phần mềm thanh toán cho khách hàng gồm: ViettelPay, VNPay và Vietcombank. Theo chị Đỗ Thị Thanh Thúy, chủ cửa hàng, việc sử dụng cùng lúc các phần mềm sẽ giúp cho khách hàng thanh toán 1 cách nhanh nhất.

Trong trường hợp quét mã QR của ngân hàng này không được thì khách hàng sẽ chuyển qua mã ngân hàng khác. Các thao tác cũng khá đơn giản. Khách hàng chỉ việc quét mã, nhập số tiền thanh toán là xong.

"Đến nay, trên 50% lượt khách hàng đã sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi đến với cửa hàng", chị Thúy cho biết.

Người dân sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR code thanh toán khi mua hàng

Quán cà phê Setup, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), cũng đang từng bước áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hình thức thanh toán mới không chỉ thuận tiện, mà còn giúp quán giảm bớt chi phí thuê nhân công.

"Trước đây, quán phải có từ 3-4 người làm thì nay chỉ cần 1 người. Tiện nhất là có nhiều khách khi tới uống cà phê chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR là có thể thanh toán được ngay", anh Võ Thế Nam, chủ quán cho biết.

Hỗ trợ sử dụng các nền tảng số

Theo bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa), đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt, bước đầu phường triển khai là các trường học, công an, y tế, một số doanh nghiệp.

Phường đã tổ chức đoàn đi hướng dẫn từng đơn vị, với sự phối hợp của các nhà mạng và Sở TTTT. Trong đó, đối với các cơ sở kinh doanh, bước đầu phường đã chọn từ 30-40 cơ sở buôn bán lớn để triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, sau đó sẽ làm đồng bộ ở các cơ sở còn lại.

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở TTTT), thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu quan trọng của chuyển đổi số.

Vì vậy, cần phải thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân và doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi số phát triển. Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có hơn 88,7% dân số có điện thoại thông minh.

Doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ dán các mã QR code để thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở kinh doanh

Đây là một lợi thế rất lớn trong việc tạo ra các công dân số thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của toàn tỉnh trong thời gian tới. Toàn tỉnh hiện có 3 chi nhánh doanh nghiệp viễn thông đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ chuyển đổi số.

Đến nay, tại 2 địa phương thí điểm chuyển đổi số cấp huyện là TP. Gia Nghĩa và Đắk Mil đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các tổ dân phố, thôn, bon để hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng các nền tảng số phục vụ cuộc sống.

Các địa phương đang từng bước triển khai nhiều giải pháp, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen của người dân trong việc sử dụng thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử và các ứng dụng mobile money.

Các đơn vị liên quan đang tích cực hỗ trợ người dân về khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng. Từ đó giúp người dân hiểu được lợi ích khi sử dụng tài khoản thanh toán điện tử và ví điện tử.

 

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 có 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, được kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số.

Tỉnh hỗ trợ cho 100 doanh nghiệp, 20 HTX, 200 hộ kinh doanh được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số.

 

Theo báo Đắk Nông điện tử.