TIN TỨC NGÀNH ĐIỆN

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục
Ngày đăng 09/06/2022 | 14:55  | View count: 2477

Với việc xác định vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục, thích ứng với tình hình dạy học trong giai đoạn mới, ngành Giáo dục tỉnh đang thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.

Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực

Trong 2 năm học gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng CNTT, chuyển đổ số đã góp phần hỗ trợ toàn ngành triển khai hiệu quả các hoạt động trọng tâm.

Cụ thể, trong công tác quản lý, ngành áp dụng từ công tác tập huấn cho cán bộ, giáo viên về kỹ năng quản lý đến việc tổ chức dạy học trực tuyến. Đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên các phòng GD-ĐT, tổ trưởng chuyên môn của tất cả các trường THCS, THPT trong toàn tỉnh được tập huấn sử dụng phần mềm hệ thống VNA-Elearning.

Đối với giáo viên các bậc học thì được hướng dẫn tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Qua đó, những giáo viên cốt cán triển khai lại cho các giáo viên theo cụm và trong trường học của mình.

Sở GD-ĐT ứng dụng CNTT trong tổ chức họp trực tuyến với các cơ sở giáo dục trực thuộc

Thống kê đến nay đã có 298 bài giảng tham gia đóng góp kho học liệu số; trong đó bậc tiểu học: 217 bài giảng, bậc THCS: 15 bài giảng và bậc THPT: 66 bài giảng. Về số lượng bài giảng điện tử, học liệu điện tử đã thu thập được lên đến 1.049 bài giảng và video.

Việc ứng dụng CNTT còn được áp dụng rộng rãi trong hệ thống thư viện điện tử. Sở GD-ĐT đã xây dựng phần mềm quản lý thư viện vào năm 2018, cung cấp tài khoản cho các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh.

Các trường học ứng dụng CNTT trong dạy và học

Đến nay, toàn tỉnh đã có 360 cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập sử dụng phần mềm quản lý trường học từ mầm non đến phổ thông. 100% các trường đều sử dụng phần mềm quản lý trường học. Việc triển khai thanh toán các loại phí giáo dục theo hình thức không dùng tiền mặt cũng được các cơ sở từng bước áp dụng. Mục tiêu trong năm học 2022-2023, sẽ có 50% các trường học thực hiện việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Đặc biệt, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đã thể hiện rõ nét nhất, với việc các thí sinh có thể đăng ký dự thi trên môi trường mạng, tạo rất nhiều thuận lợi và đem lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động liên quan đến kỳ thi đã được ngành Giáo dục tăng cường áp dụng chuyển đổi số, tạo sự công khai, minh bạch, bảo đảm an toàn, hạn chế những sai sót có thể xảy ra.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tạo điều kiện tiếp cận, nâng cao chất lượng học tập cho học sinh

Hướng đến chuyển đổi số sâu rộng

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hiện nay 100% các cơ sở giáo dục đã kết nối internet cáp quang phục vụ quản lý, dạy học và tra cứu thông tin. Hàng năm, Sở GD-ĐT, UBND huyện, thành phố theo phân cấp quản lý đã chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm bổ sung, duy trì và nâng cấp trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục theo lộ trình.

Sở GD-ĐT luôn đề cao việc tuyên truyền để cán bộ, giáo viên, học sinh hiểu rõ về ý nghĩa của ứng dụng CNTT, nhất là về chuyển đổi số trong các lĩnh vực nói chung và trong giáo dục nói riêng.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 có 50% học sinh và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến. 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số; trong đó 100% người học, 100% nhà giáo và mỗi hoạt động giáo dục được quản lý bằng một hồ sơ số, định danh thống nhất toàn quốc.

Đến năm 2030, toàn ngành đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân vào môi trường số. Trong đó, ngành hoàn thiện một nền tảng dạy và học trực tuyến của tỉnh tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

 

 

                                                                                                                                                                                             Theo báo Đắk Nông điện tử