THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2030
Ngày đăng 03/08/2022 | 10:41  | View count: 25298

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022 - 2030

Theo đó, để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động; khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc, phòng chống bệnh tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh trong tình hình mới.

Để kế hoạch triển khai đạt hiệu quả, Kế hoạch đã đưa ra các mục tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được như:

Mục tiêu về Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động: Trên 50% người làm công tác y tế cơ sở được đào tạo, cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, bệnh nghề nghiệp đến năm 2025 và đạt 100% đến năm 2030; Trên 90% người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động cấp huyện, thành phố và trong các Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực về vệ sinh lao động và kiểm soát bệnh nghề nghiệp đến năm 2025 và đạt trên 95% đến năm 2030.

Mục tiêu về Lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; thực hiện tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, các biện pháp phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện và tăng cường vận động nơi làm việc tại các cơ sở lao động:

- 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn được tập huấn, hướng dẫn về các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động.

- 40% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở đến năm 2025 và đạt 70% đến năm 2030.

- Mỗi năm có trên 60% cơ sở lao động, làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận với các thông tin truyền thông về chăm sóc sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và đạt trên 80% vào năm 2030.

Mục tiêu về Tăng cường quản lý, phòng chống các bệnh nghề nghiệp tại các ngành nghề có nguy cơ cao:  100% cơ sở lao động thực hiện khám phân loại sức khỏe người lao động theo quy định; trong đó, có 50% cơ sở lao động, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được quản lý, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động đến năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030;..

Mục tiêu về Nâng cao năng lực sơ cứu, cấp cứu, đáp ứng điều trị, giám định y khoa, điều dưỡng phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động:  100% người lao động bị tai nạn lao động, người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp được sơ cứu, cấp cứu, điều trị và phục hồi chức năng theo quy định.

Bên cạnh đó, ngoài các mục tiêu cụ thể trên, Kế hoạch còn đưa ra 06 nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện như:

1 . Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các Sở, Ban, ngành và đơn vị liên quan trong việc chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Thường xuyên kiểm tra, khảo sát, đánh giá và đưa ra biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy định về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

2. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế lao động về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Phổ biến, xây dựng các tài liệu, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, truyền thông, tập huấn về y tế lao động; áp dụng và xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp tại tỉnh, thực hiện kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia.

3. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống các trung tâm, cơ sở đã được cấp phép và công bố đủ điều kiện thực hiện về y tế lao động trên địa bàn tỉnh.

4. Đầu tư cho công tác dự phòng và điều trị để đảm bảo và nâng cao sức khỏe cho người lao động. Thực hiện lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; truyền thông, tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, các biện pháp phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện và tăng cường vận động nơi làm việc tại các cơ sở lao động.

5. Áp dụng và triển khai thí điểm các mô hình, gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ, vừa và các làng nghề. Mô hình phòng chống các bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm tại nơi làm việc. Quản lý sức khỏe nghề nghiệp trong hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại tuyến xã, phường, thị trấn.

6. Đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp; tăng cường năng lực điều trị, phục hồi chức năng cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.

Huy Hoàng