THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Hội nghị đánh giá thực trạng tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng
10/10/2019 | 09:45  | View count: 7810

Chiều 9/10, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội nghị có đại diện là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trương Thanh Tùng – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo tại Hội nghị tỉnh có tổng diện tích tự nhiên 650.927 ha, trong đó: Diện tích đất có rừng 255.056,23 ha (Rừng tự nhiên 205.995,76 ha; rừng trồng 49.060,47 ha). Đất trong quy hoạch cho phát triển rừng 76.699,02 ha. Tỷ lệ che phủ rùng toàn tỉnh 39,15%.

Cũng theo báo báo, trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, các điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rùng, khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật được xác định và có giải pháp ngăn chặn; số vụ vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản giảm so với những năm trước đây; công tác trồng rừng hàng năm cơ bản đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tình trạng phá rừng cơ bản được kiểm soát, cụ thể số vụ phá rừng trái pháp luật các năm: Năm 2017 có 552 vụ/282,57 ha; năm 2018 có 485 vụ/153,64 ha; 9 tháng đầu năm 2019 có 339 vụ/96,90 ha rừng.

Từ đầu năm 2017 đến tháng 9/2019, các lực lượng Kiểm lâm, Công an và các đơn vị chủ rừng đã phát hiện, xử lý tổng số 3.270 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng. Đã xử lý 2.760 vụ, trong đó: Xử lý hành chính 2.602 vụ, chuyển hồ sơ tiếp tục điều tra 93 vụ; Xử lý hình sự 64 vụ. Lâm sản tịch thu 1.958,403 mét khối gỗ các loại. Phương tiện tịch thu 534 máy móc và phương tiện các loại. Tiên thu sau xử lý (đã nộp ngân sách) 10.525.651.000 VNĐ.

Tuy nhiên công tác phòng, chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn trong việc quản lý, quy hoạch 03 loại rừng, quản lý rừng và đất rừng của địa phương; khó khăn trong việc thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội; khó khăn vướng mắc khi áp dụng quy định của pháp luật để xử lý bành vi vi phạm; khó khăn, vướng mắc về giám định thiệt hại…

Đ/c Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, lấn chiếm đất rừng, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các Sở, ngành tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm như: Huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác phòng, chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, phải tổ chức cưỡng chế và trồng lại rừng. Đối với diện tích đất thu hồi của các công ty lâm nghiệp, cần sớm hoàn thành các thủ tục thu hồi để bàn giao lại cho các chủ rừng mới, cắm mốc cụ thể để quản lý, bảo vệ chặt chẽ không để các đối tượng lợi dụng để chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng...

Tấn Lê