Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về "Phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên"
Ngày đăng 11/12/2018 | 14:10  | View count: 14884

Ngày 11/12/2018, tại thị xã Gia Nghĩa, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về "Phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên" với sự tham gia của hơn 150 đại biểu là Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; UBND tỉnh, các Sở, ngành và các huyện/thành phố vùng Tây Nguyên; các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Học viện, Trường Đại học trên cả nước; cùng các doanh nghiệp và hộ sản xuất tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Hội thảo diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Trần Xuân Hải – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông và Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy - Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã tập trung đánh giá về vai trò, thực trạng, qua đó nhận diện những vướng mắc, hạn chế trong phát triển ngành công nghiệp chế biến làm giảm giá trị gia tăng của các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng. Từ đó, xây dựng, đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Các chuyên đề, nội dung chính được trình bày tại Hội thảo gồm: Tiếp cận mô hình chuỗi giá trị nông sản vùng Tây Nguyên theo hướng hàng hóa từ góc nhìn quản lý vĩ mô; Phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị gia tăng nông sản Tây Nguyên; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản vùng Tây Nguyên; Khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam; Mô hình hoạt động trong chế biến sản phẩm cà phê và nâng cao chuỗi giá trị...

Theo đánh giá của các chuyên gia và nhà khoa học tại Hội thảo, Tây Nguyên là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su... Những thành tựu của Tây Nguyên trong phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực trong thời gian qua là to lớn, song nhìn chung sản xuất, chế biến và xuất khẩu còn hạn chế, nhất là công nghiệp chế biến của vùng Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Nhiều sản phẩm nông sản của Tây Nguyên là chủ lực xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn chỉ đang ở khâu sản xuất và sơ chế, có giá trị gia tăng thấp. Theo nhiều doanh nghiệp, do hạn chế nhiều khâu nên Tây Nguyên đang bán cái mình có chứ không phải bán cái mà khách hàng cần, dẫn đến lợi ích bị giảm đi rất nhiều. Vì thế, việc phát triển công nghệ chế biến là một yêu cầu bức thiết gắn liền với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở vùng Tây Nguyên.

 Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam điều hành phiên thảo luận tại Hội thảo

Hội thảo đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức mà lĩnh vực chế biến các sản phẩm đặc thù vùng Tây Nguyên nói chung đang gặp phải như: Thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất - chế biến; thiếu sự liên kết "bốn nhà"; đặc biệt là khó khăn về nguồn lao động có kỹ thuật, giống, vùng nguyên liệu đạt chuẩn, về vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm... Thực trạng này đã phản ánh khá rõ những hạn chế về năng lực chế biến của vùng. Mặt khác, các nhà máy hoạt động gia công, chế biến chủ yếu lại nằm ngoài khu vực nên các tỉnh Tây Nguyên ít được hưởng lợi từ giá trị gia tăng trong khâu bảo quản, chế biến. Nguyên nhân được chỉ ra là do các cụm, khu công nghiệp chưa thu hút được doanh nghiệp; dịch vụ hậu cần (kho bãi, tài chính, thanh toán...) phục vụ hoạt động của doanh nghiệp ở Tây Nguyên kém hơn các vùng khác nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến ở Tây Nguyên.

Tiến sĩ Hồ Bá Thâm - Trường Đại học Công nghệ Miền Đông trình bày tham luận về "Đào tạo nguồn nhân lức đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản vùng Tây Nguyên"

Với việc phân tích, tìm ra nguyên nhân sâu xa của những thực trạng này, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp khắc phục để phát triển kịp thời, đồng bộ và bền vững công nghiệp chế biến ở vùng Tây Nguyên. Trong đó, các giải pháp chủ yếu được nêu ra là: Cần tiếp tục củng cố và phát triển có chiều sâu các cơ sở chế biến đầu tàu của ngành công nghiệp chế biến ở Tây Nguyên, tạo điểm nhấn và lực hút đối với nhà đầu tư mới tham gia vào phát triển ngành công nghiệp chế biến ở vùng Tây Nguyên; triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào khâu chế biến nông sản, lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh và bảo vệ môi trường sinh thái, sản xuất theo hướng hàng hóa xuất khẩu tới các thị trường lớn trên thế giới; vận động doanh nghiệp tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ và chế biến nông sản ở vùng Tây Nguyên để không bị tư thương thao túng; tăng cường kiểm soát thực hiện quy định chất lượng chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm, làm thế nào để chất lượng hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các mặt hàng xuất khẩu... Riêng đối với các doanh nghiệp chế biến ở Tây Nguyên muốn phát triển bền vững trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế thì một mặt phải chế biến được những mặt hàng có chất lượng, mặt khác phải tổ chức tốt hệ thống phân phối sản phẩm, quảng bá được thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, chính quyền cũng như các doanh nghiệp chế biến cần tập trung vào các hoạt động chính như: Nắm bắt kịp thời và đầy đủ các cam kết hội nhập của nước ta, nhất là các hiệp định FTA, chính sách biện pháp cụ thể để tận dụng thời cơ, xử lý thách thức của hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ quản lý và lao động có kỹ năng nghề cao; nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã chủng loại đáp ứng với nhiều thị trường khác nhau; mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ và tìm kiếm thị trường mới... 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải phát biểu tại Hội thảo
 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải nhấn mạnh: Hội thảo "Phát triển công nghiệp chế biến nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên" nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông là hoạt động khoa học trọng điểm của Ngày hội cà phê Việt Nam lần thứ 2 năm 2018 tổ chức tại tỉnh Đắk Nông. Đây là cơ hội để các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông được gắn kết với các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp cùng các nhà sản xuất tiêu biểu để cùng đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kết quả nghiên cứu về thị trường, công nghệ, thương hiệu và chất lượng hàng hóa nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm chủ lực; đồng thời cung cấp những luận điểm và chứng cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định, quy hoạch các chính sách, chiến lược phát triển công nghiệp chế biến phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông và Tây Nguyên. Đồng chí mong muốn các nhà khoa học của Viện Khoa học xã hội Vùng Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các tổ chức nghiên cứu trên cả nước sẽ cùng với tỉnh Đắk Nông và Tây Nguyên hình thành mối quan hệ thường xuyên, bền vững, tiếp tục phối hợp thực hiện các nghiên cứu khoa học chuyên sâu về những vấn đề được đặt ra và bàn bạc trong suốt Hội thảo để góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông cũng như của vùng Tây Nguyên trong thời gian tới.

Sam Nguyễn