Tối ngày 10/12/2018, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Hiệp Hội cà phê ca cao Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ II, năm 2018.
Tiết mục văn nghệ mở đầu Lễ Kỷ niệm "Ngày cà phê Việt Nam" lần thứ 2 năm 2018 |
Tham dự lễ kỷ niệm có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh lân cận, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, các nhà quản lý, nhà khoa các chuyên gia, các đoàn khách quốc tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Về phía tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Lê Diễn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Thanh Danh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Điểu Xuân Hùng - UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành của tỉnh.
Đ/c Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ phát biểu chào mừng |
Phát biểu chào mừng Lễ Kỷ niệm, đồng chí Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ nhấn mạnh, Đắk Nông là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ ba của cả nước, có nhiều lợi thế về tự nhiên và diện tích đất đỏ bazan chiếm khoảng 60% phân bố trên địa hình đồi, núi cao trùng điệp xen giữa thung lũng sâu và bình nguyên cùng nguồn nước dồi dào từ hệ thống sông, hồ, đập phân bố trên địa bàn tỉnh là những ưu thế chính tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp, nhất là cây cà phê.
Tuy có lợi thế lớn, nhưng cà phê tỉnh Đắk Nông vẫn mang lại giá trị thấp, do việc hạn chế trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật, quy mô sản xuất nhỏ, tình trạng bà con nông dân trồng tự phát chưa theo quy hoạch, nguồn vật tư đầu vào, quy trình sản xuất chưa đảm bảo, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, việc xây dựng thương hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc xuất xứ... còn hạn chế. Với tình hình đó, Lễ kỷ niệm "Ngày cà phê Việt Nam" lần thứ 2 năm 2018 nhằm quảng bá, tôn vinh giá trị và hình ảnh cà phê Việt Nam nói chung và doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất cà phê tỉnh Đắk Nông nói riêng; là cơ hội kết nối, hợp tác đầu tư, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường để thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm cà phê của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Lễ Kỷ niệm Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ II, năm 2018 |
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Năm 1961, diện tích cà phê cả nước mới khoảng 21 nghìn ha, năng suất chỉ 1,93 tạ/ha, đến nay cả nước đã có 22 tỉnh, thành phố và 105 huyện trồng cà phê, tập trung chủ yếu ở 5 tỉnh Tây Nguyên với diện tích trên 650 ha ngàn ha với năng suất 25 tạ/ha, cao hơn 3 lần so với năng suất bình quân của thế giới, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 3,5 tỷ USD. Để thúc đẩy ngành cà phê phát triển hơn nữa trong thời gian tới cần rà soát quy mô sản xuất cà phê để đạt hiệu quả cao và bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định diện tích trồng cà phê khoảng 600 nghìn ha vào năm 2020, trong đó: Vùng trọng điểm cà phê ở Tây Nguyên là 530 nghìn ha, vùng khác là 70 nghìn ha; đồng thời phát triển một số vùng cà phê chất lượng cao gắn với quy hoạch chế biến và cơ sở hạ tầng khác. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khín hậu. Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hải cà phê. Thực hiện gói kỹ thuật phát triển cà phê bền vững: Tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, trồng xen hợp lý…
Các đại biểu tham dự Lễ Kỷ niệm |
Ông Jose Dauster Sette, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (IOC) phát biểu tại Lễ Kỷ niệm |
Ban Tổ chức trao giấy khen và kỷ niệm chương cho các đơn vị, cá nhân đóng góp tích cực cho ngành cà phê Việt Nam thời gian qua |
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tặng hoa cho các nhà tài trợ chính của Chương trình "Ngày cà phê Việt Nam" lần thứ 2 năm 2018 |
Tấn Lê