KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Tạo sự bứt phá đối với 03 sản phẩm có lợi thế của tỉnh là chanh dây, bơ và mắc ca
16/11/2022 | 15:52  | View count: 15249

Ngày 08/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông ban hành Kế hoạch số 643/KH-UBND thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Một trong những nội dung của Kế hoạch là xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp khoa học và công nghệ trong toàn bộ các khâu theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra sự bứt phá đối với 03 sản phẩm có lợi thế của tỉnh là chanh dây, bơ và mắc ca nhằm đảm bảo phát triển thực sự bền vững, đóng góp vượt trội cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đối với cây chanh dây

Nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống chanh dây cho năng suất cao, sạch bệnh, chất lượng cao, mẫu mã phù hợp theo hướng sử dụng cho ăn tươi, chế biến. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử, chiếu xạ gây đột biến và lai hữu tính để chọn tạo những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và thích nghi với điều kiện khí hậu. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật để sản xuất giống chanh dây ở quy mô lớn. Nghiên cứu, phát triển công cụ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các giống chanh dây bằng công nghệ sinh học phân tử.

 Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, áp dụng kỹ thuật canh tác, trồng trọt và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn.

Nghiên cứu, chế tạo công cụ phù hợp cho cơ giới hóa quá trình trồng trọt ở quy mô lớn; chế tạo công cụ thu hoạch, phân loại trái chanh dây dựa trên công nghệ cảm biến màu sắc nhằm thu được trái có màu sắc đồng đều.

Nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ chế biến sâu từ chanh dây như: nước ép quả, bột quả đông lạnh, thịt quả đóng gói vô trùng, cắt lát sấy detox, mứt vỏ chanh dây, dịch quả muối ớt, sốt chanh dây, các sản phẩm bánh, kẹo từ chanh dây và bột chanh dây, rượu, nước trái cây lên men không cồn, trà lá chanh dây, dầu từ hạt chanh dây.

Nghiên cứu, chế biến phụ phẩm của quá trình sản xuất công nghiệp như sản xuất pectin từ vỏ, sản xuất dầu từ hạt chanh dây.

Đối với cây bơ

Nghiên cứu, ứng dụng sản xuất giống bơ Hass chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái đáp ứng yêu cầu phát triển quy mô lớn phục vụ cho xuất khẩu. Tiêu chuẩn hóa quá trình sản xuất các giống bơ cho năng suất cao, sạch bệnh, chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái. Nghiên cứu, phát triển công cụ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các giống bơ bằng công nghệ sinh học phân tử.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa các mô hình canh tác; áp dụng kỹ thuật canh tác, trồng trọt và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn.

Nghiên cứu, chế tạo công cụ thu hoạch, phân loại trái bơ theo kích thước, trọng lượng; nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trái bơ để tăng thời gian bảo quản.

Nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ chế biến sâu từ trái bơ như: purê trái bơ, bột bơ, dầu bơ, kem bơ, bột nhuyễn đông lạnh, bột đông khô, bã bơ, tinh bột hạt bơ. Nghiên cứu, chế biến các phụ phẩm từ sản phẩm cây bơ.

Đối với cây mắc ca

Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống mắc ca phù hợp theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái. Xây dựng vườn cây đầu dòng, vườn ươm cây giống Mắc ca ưu tú với quy mô phù hợp nhu cầu trồng, đảm bảo chủ động và cung ứng đủ cây giống chất lượng tốt cho trồng mới trên địa bàn. Nghiên cứu, chọn tạo những giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và thích nghi với điều kiện khí hậu. Nghiên cứu, phát triển công cụ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng các giống mắc ca bằng công nghệ sinh học phân tử.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, áp dụng kỹ thuật canh tác, trồng trọt và kiểm soát dịch bệnh bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở quy mô lớn.

Nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch hạt mắc ca để chống mốc, biến màu, ôi hóa dầu.

Ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu với những sản phẩm cao cấp, như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng các công nghệ chế biến sâu từ hạt mắc ca như: hạt nguyên, sữa, dầu, bột nghiền, hạt hỗn hợp nhằm đa dạng hóa sản phẩm và chất lượng đạt theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường nội địa và xuất khẩu.

Tiến Đạt