KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
15/11/2022 | 16:32  | View count: 14983

Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn; gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững. UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 653/KH-UBND ngày 11/11/2022 thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Chương trình với mục tiêu cụ thể:

Lễ khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Đắk Nông

Đến năm 2025, phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt trên 80 sản phẩm, trong đó ít nhất 10% sản phẩm OCOP đạt 4-5 sao.

Hàng năm tổ chức 01 lớp bồi dưỡng kiến thức cấp tỉnh; 01 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý thực hiện Chương trình.

Hàng năm tổ chức ít nhất 2 lớp tập huấn cho các chủ thể sản xuất có sản phẩm OCOP, chủ thể có sản phẩm tiềm năng được tham gia tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức hoạt động.

Phấn đấu năm 2023 xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ, hiệu quả, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát sản phẩm OCOP để triển khai thực hiện.

Hàng năm xây dựng 02 clip, phóng sự, quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP, phát sóng trên Đài phát thanh truyền hình, ít nhất 03 bài tuyên truyền về Chương trình OCOP, đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Hàng năm tập trung quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung tham dự các kỳ xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP.

Phấn đấu hàng năm 100% sản phẩm OCOP được chứng nhận và đưa lên ít nhất một sàn giao dịch thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, website...

Phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện, thành phố Gia Nghĩa có ít nhất 01 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm.  

Mức tăng trưởng doanh thu của sản phẩm OCOP theo các chuỗi phân phối đạt từ 5-10%/năm.

Để thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đề ra 06 giải pháp thực hiện, gồm:

Một, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm OCOP, Chương trình OCOP; đào tạo tập huấn kiến thức về Chương trình OCOP.

Hai, quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP.

Ba, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương.

Bốn, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, nâng cao quy trình.

Năm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP

Sáu, xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP theo giai đoạn và hàng năm, hướng dẫn các địa phương xây dựng, triển khai Chương trình ở địa phương.

 

Tiến Đạt