KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH
Nhiều chủ thể OCOP đã không ngừng chăm chút cho mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhằm xây dựng, khẳng định tên tuổi trên thị trường.
Cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) là một trong những sản phẩm được UBND tỉnh công nhân đạt chuẩn đợt đầu tiên trong năm 2020. Đây cũng là sản phẩm cà phê đạt chuẩn 4 sao đầu tiên được công nhận.
Theo ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX, mục tiêu nâng cao chất lượng, sản lượng cà phê chế biến ra thị trường là điều luôn được HTX chú trọng thực hiện. Sau khi đạt chuẩn OCOP, cuối năm 2021, đơn vị đã đầu tư, nâng cấp khu chế biến, hệ thống máy móc với công suất lớn hơn, hiện đại hơn. Chính vì thế, niên vụ thu hoạch cà phê năm 2021, 2022, sản phẩm chế biến của đơn vị đạt sản lượng cao hơn khoảng 20% so với mọi năm.
Ngoài ra, HTX còn đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất nhằm bảo đảm sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng. Ông Hạ khẳng định: "Chúng tôi chú trọng nhiều đến khâu nguyên liệu, bảo đảm quy trình nông nghiệp tốt đến tận vườn, rẫy. Đến mùa thu hoạch, xã viên hái quả chín với tỷ lệ cao trên 95%. Trong vòng 24 giờ sơ chế, sàng lọc qua nhiều khâu để loại bỏ quả khô, hư hỏng, quả xanh, chỉ chế biến quả chín rồi mới đem ra dàn lưới phơi".
HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An (Đắk Mil) đầu tư nhà xưởng, máy móc mới phục vụ chế biến
Cũng theo ông Hạ, với cách chế biến như vậy sẽ giữ được gần như tối đa hương vị tươi mới, đồng nhất, đầy đặn của cà phê chín đỏ. Chất lượng sản phẩm hơn nhiều lần so với quy trình chế biến khô phổ biến nên người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng ưa chuộng.
Năm 2020, sản phẩm mắc ca sấy của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ An Phát (TP. Gia Nghĩa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm hiện đang có mặt ở nhiều thị trường, kênh phân phối khác nhau trong và ngoài tỉnh với sản lượng bán ra khá lớn, trên 25 tấn/năm.
Bà Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2021, Công ty đã hoàn thiện về bao bì sản phẩm nhằm bảo quản tốt hơn cũng như tạo sự bắt mắt với người tiêu dùng. Công ty đăng ký thành công và ghi nhãn hiệu Vida Boom lên bao bì sản phẩm để từng bước xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu.
Cùng với đó, Công ty cho ra đời một số dòng sản phẩm mới, bước đầu được khách hàng đánh giá cao như bột ngũ cốc dinh dưỡng, thanh gạo lứt kết hợp với các loại hạt mắc ca, hạnh nhân, điều, bí. Hình thức bao bì cũng được cải tiến bắt mắt, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường như làm quà biếu, dùng hằng ngày, mang theo khi đi du lịch nên nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng
.
Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ An Phát (TP. Gia Nghĩa) có nhãn hiệu Vida Boom
"Chúng tôi mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe, đồng thời, từng bước hoàn thiện, đạt cao hơn các tiêu chuẩn như nâng hạng sao OCOP và các tiêu chuẩn khác để phục vụ xuất khẩu", bà Dịu khẳng định.
Hiện nay, Đắk Nông có 47 sản phẩm được chứng nhận đạt OCOP hạng từ 3-4 sao. Trong đó, nhóm sản phẩm thuộc ngành thực phẩm chiếm 50%; nhóm các ngành hàng khác chiếm 50%.
Cơ quan chức năng khẳng định, sau khi đạt chuẩn, hầu hết chủ thể là các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã đều chú trọng đầu tư vào xây dựng vùng nguyên liệu, hạ tầng nhà xưởng, máy móc, bao bì, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì thế, nhiều sản phẩm sau chứng nhận nhanh chóng tiếp cận được thị trường. Doanh thu của các sản phẩm OCOP tăng bình quân 26%/năm. Trong đó, 15 sản phẩm có giá bán tốt hơn nhờ chứng nhận OCOP.
Theo Sở NN-PTNT, hiện UBND tỉnh đã triển khai Đề án OCOP năm 2022. Đề án đặt mục tiêu phấn đấu thúc đẩy từ 1-2 sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2022; tổ chức đánh giá, phân hạng mới từ 10 sản phẩm trở lên tham gia Chương trình OCOP năm 2022.
Hiện nay, các cấp, ngành chức năng đang đẩy mạnh nhiều giải pháp như phối hợp tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng đạt chứng nhận 3-4 sao. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng OCOP liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng được chú trọng nhiều hơn.
Theo báo Đắk Nông