KỶ NIỆM 15 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Ngành giáo dục cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua thách thức của quá trình đổi mới, đáp ứng kỳ vọng xã hội
04/09/2022 | 09:08  | View count: 6014

Năm học mới 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới giáo dục. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu toàn ngành cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới, đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: "Năm học mới này, mục tiêu đặt ra là củng cố, nâng cao chất lượng và hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới"

Ngày mai, 5/9, hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo". Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT với nhiều nội dung quan trọng của ngành giáo dục trước thềm năm học mới.

Nhận định rõ nguy cơ, nỗ lực vượt qua thách thức

Thưa Bộ trưởng, sau 2 năm ảnh hưởng bởi COVID-19, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp thích ứng với dịch bệnh để các em học sinh hoàn thành năm học. Tuy nhiên, nguy cơ COVID-19 và các dịch bệnh khác vẫn còn diễn biến phức tạp, vậy Bộ có sự chuẩn bị hay các giải pháp nào để ứng phó với các tình huống đặc biệt nhưng không làm gián đoạn việc đến trường của các em học sinh, sinh viên?

Một năm học mới đang bắt đầu trong bối cảnh đại dịch cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, thách thức của đại dịch vẫn còn nguyên với ngành giáo dục. Đó là tác động của dịch bệnh đến chất lượng giáo dục, đến sức khỏe của học sinh về cả thể chất lẫn tinh thần, đến các mục tiêu rèn luyện về kỹ năng và những ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác.

Bộ GD&ĐT nhận định rất rõ về nguy cơ của dịch bệnh, không chỉ là dịch COVID-19 mà còn của các dịch bệnh khác, cũng như những nguy cơ khách quan như thiên tai có thể ảnh hưởng tới kế hoạch, chất lượng giáo dục, do dó, ngay trong Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 trong số 12 nhiệm vụ, Bộ đã đặt ra yêu cầu cụ thể cho vấn đề này.

Theo đó, để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.

Đồng thời, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình "Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025", Chương trình "Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025"; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể thao học sinh gắn kết với nội dung môn học giáo dục thể chất thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông

Năm học trọng tâm đổi mới giáo dục phổ thông

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục áp dụng lộ trình đổi mới sách giáo khoa cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Xin Bộ trưởng chia sẻ về những điểm mới cũng như sự chuẩn bị của ngành giáo dục để thực hiện tốt việc dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa mới?

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, có việc triển khai dạy theo chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; thẩm định sách giáo khoa các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị biên soạn cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Để chuẩn bị cho tổ chức dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh, Tin học đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương rà soát, chuẩn bị đội ngũ, phương án triển khai 2 môn học bắt buộc này, bảo đảm khi vào năm học mới, tất cả học sinh lớp 3 đều được học Tiếng Anh, Tin học theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với lớp 10 - lớp đầu tiên triển khai theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT, Bộ GD&ĐT đã có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để địa phương, nhà trường triển khai việc lựa chọn môn học; chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là đối với những môn học nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào tổ chức dạy và học.

Muốn đổi mới về phương pháp dạy và học, về kiểm tra, đánh giá thì trước hết đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực về cả kiến thức, kỹ năng sư phạm. Chỉ khi nào lực lượng giáo viên đổi mới, phát triển thì nhiệm vụ đổi mới giáo dục của toàn ngành mới được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, cần phải cung cấp thông tin rộng rãi để có được sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội trong sự nghiệp đổi mới này. Nếu thiếu đi sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ phía phụ huynh cũng như xã hội thì việc đổi mới rất khó khăn. Do đó, để thực hiện thành công đổi mới, cần phải có giải pháp tổng thể, trong đó, sự nỗ lực, cố gắng và vai trò của các nhà giáo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Yêu cầu bảo đảm đủ giáo viên, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới luôn đặt ra sức ép không nhỏ. Xin Bộ trưởng cho biết ngành giáo dục đã chuẩn bị thế nào để giải quyết vấn đề này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn?

Trước hết, cần khẳng định, lần đổi mới này rất sâu sắc, toàn diện, triệt để và cũng diễn ra rất nhanh. Năm học 2022-2023 và các năm tới sẽ là giai đoạn trọng tâm của quá trình đổi mới, do đó trong các chuyến công tác tại địa phương, tôi đều nhấn mạnh nhiệm vụ này với mong muốn các địa phương sẽ dành sự quan tâm, đầu tư tập trung cho những năm tới đây.

Có thể nói, quá trình đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT giống như người thiết kế, còn quá trình "thi công" thành công đến đâu phụ thuộc rất lớn vào địa phương, trong đó, đặc biệt là tầm nhìn, cũng như nhận thức, trách nhiệm và tư duy đổi mới.

Chặng đường triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu với lớp 1, tới lớp 2, lớp 6 trong 2 năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các địa phương cũng đã vào cuộc rất trách nhiệm. Tuy nhiên, qua hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều địa phương khó khăn về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhiều nơi học sinh phải "học chay". Do đó rất cần các địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, dành sự quan tâm đầu tư cho giáo dục nhiều hơn nữa.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương năm 2022, bảo đảm nguyên tắc có học sinh phải có giáo viên đứng lớp. Ngày 18/7/2022, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngay sau khi có Quyết định của Bộ Chính trị, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông (27.850 biên chế giáo viên trong năm 2022-2023 và 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026).

Ngành giáo dục trân trọng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời giao bổ sung biên chế giáo viên cho ngành giáo dục, tháo gỡ khó khăn để ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới, phát triển. Trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo. Cảm ơn Bộ Nội vụ đã tích cực hỗ trợ, phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc đề xuất lên cấp trên thông qua quyết sách này.

Lãnh đạo các địa phương cần thể hiện sự quan tâm và quyết tâm bằng các chỉ đạo cụ thể tại địa phương, để công tác tuyển dụng, sử dung giáo viên sẽ đạt hiệu quả.

Cần có lộ trình học phí đối với các cấp học

Học phí là vấn đề nóng luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Xin Bộ trưởng chia sẻ lộ trình của việc tăng học phí đối với các cấp học từ năm học 2022-2023 trở đi, cũng như chế độ hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa?

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Thống kê để hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của việc tăng học phí, giá sách giáo khoa tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn và kiến nghị, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Qua nghiên cứu số liệu thu nhập bình quân đầu người quý 1/2022 so với năm trước thì mức thu nhập bình quân của người lao động còn thấp. Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Bộ GD&ĐT đã đề xuất lộ trình học phí để trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra phương án giữ nguyên mức học phí, hoặc miễn học phí bậc THCS cho học sinh từ năm học 2022-2023.

Bên cạnh chính sách học phí, Bộ GD&ĐT cũng đã trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn để triển khai từ năm học 2022-2023. Nếu được triển khai thực hiện, chính sách này cũng sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng kinh tế cho học sinh, phụ huynh, nhất là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.

Hơn 23 triệu học sinh cả nước bước vào năm học 2022-2023

ần nỗ lực hơn nữa để vượt qua khó khăn thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao

Giáo dục phát triển là minh chứng cho đất nước phát triển. Là tư lệnh ngành, Bộ trưởng có thể chia sẻ thông điệp của mình nhân dịp năm học mới bắt đầu?

Năm học vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, vừa phải ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, vừa phải hoàn thành kế hoạch và các nhiệm vụ lớn của ngành, song có thể nói, ngành giáo dục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học đề ra. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan; sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các địa phương.

Đặc biệt, tôi xin ghi nhận, cảm ơn, biểu dương toàn thể giáo viên, các cán bộ quản lý của ngành giáo dục bởi những nỗ lực vượt bậc và những cố gắng phi thường trong năm qua. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới toàn thể các phụ huynh đã đồng hành, đã ủng hộ, đã hỗ trợ đối với sự nghiệp giáo dục; đồng thời ghi nhận sự cố gắng của toàn thể học sinh, sinh viên đã vượt qua những khó khăn để học tập và trưởng thành trong một năm gian khó.

Nếu như năm học 2021-2022 là một năm kiên trì mục tiêu chất lượng, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học thì năm học mới này, mục tiêu đặt ra là củng cố, nâng cao chất lượng và hoàn thành được các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới.

Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới, do đó, đòi hỏi toàn ngành đã cố gắng rồi cần cố gắng hơn nữa, đã nỗ lực rồi cần nỗ lực hơn nữa để vượt qua được những thách thức của quá trình đổi mới, qua đó đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về chất lượng giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân giao cho ngành.

Trước thềm năm học mới, tôi muốn gửi đến tất cả các thầy cô giáo, những người công tác trong ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên trên cả nước lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, bình an. Chúc cho một năm học mới với nhiều thành tựu và chúng ta cùng nhau đạt những thành quả tốt nhất cho ngành giáo dục trong thời gian sắp tới.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo báo Chính phủ