DỰ ÁN GIẢM NGHÈO TÂY NGUYÊN

Động lực vươn lên thoát nghèo
Ngày đăng 15/09/2017 | 08:19  | View count: 180216

Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông (2014 - 2019) triển khai tại huyện Đắk Song đến nay đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, có thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đường giao thông nông thôn

Sau gần 3 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tính đến nay, trên địa bàn 5 xã Dự án như: Trường Xuân, Đắk N'drung, Thuận Hà, Đắk Hòa và Đắk Môl đã thực hiện và đưa vào sử dụng 17 công trình cơ sở hạ tầng với số vốn đầu tư gần 25 tỷ đồng, trong đó, có 2 công trình cơ sở hạ tầng kết nối cấp huyện, 16 công trình cơ sở hạ tầng cấp thôn/bon. Nhiều công trình đã đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc đi lại, giao thương, phục vụ sản xuất, góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và kết nối thị trường, tiếp cận dịch vụ công. Các công trình kiên cố hóa kênh mương đã góp phần giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới, mở rộng diện tích đất sản xuất, tăng năng suất cây trồng điển hình như kênh nội đồng Đắk Sơn 1- Bon Bu Jari xã Đắk Môl.

Tiểu dự án sinh kế nuôi gà

Bên cạnh việc đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng, trong thời gian vừa qua Ban quản lý Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên huyện Đăk Song đã triển khai gần 60 tiểu dự án sinh kế như: trồng lúa, ngô, nuôi dê, gà... với hơn 500 hộ hưởng lợi, những tiểu dự án sinh kế mà Dự án đã triển khai đều cho kết quả tốt, năng suất cây trồng vật nuôi đều tăng so với trước kia như: lúa từ 3 tạ/sào lên 7-8 tạ/sào, ngô từ 4 tạ/sào lên 8 tạ/sào... Các hình thức hỗ trợ sinh kế của Dự án đều xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm của người hưởng lợi. Tiêu biểu như các nhóm LEG nuôi gà Thôn Đắk Kual xã Đắk N'drung và điển hình gia đình ông Nguyễn Bá Thức là một trong những thành viên trong nhóm cải thiện sinh kế (LEG) chăn nuôi gà năm 2016. Gia đình ông được Dự án hỗ trợ 70 con gà giống cùng thức ăn, thuốc phòng chữa bệnh và được tập huấn kỹ thuật. Từ đàn gà hỗ trợ ban đầu của Dự án, sau gần 2 năm gia đình ông đã nhân đàn lên gần 600 con, cuộc sống gia đình ông dần đi vào ổn định.

Phát huy những thành quả từ các năm trước, năm 2017 người hưởng lợi đề xuất nhiều mô hình sinh kế mới như: nuôi ngan thịt, trồng khoai lang Nhật, bắp sú...Với kinh nghiệm đã tích lũy, thành viên các nhóm LEG rất tin tưởng vào sự hỗ trợ của Dự án. Tại nhóm LEG nuôi dê, trồng bắp sú trên địa bà xã Thuận Hà ý thức làm ăn của người dân được nâng cao, bà con đang định hướng phát triển nhóm LEG thành tổ hợp tác/hợp tác xã, đây cũng là mục tiêu Dự án muốn hướng tới để phát triển các mô hình sinh kế một cách bền vững.

Tuy nhiên, tất cả các hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cũng như các mô hình sinh kế nêu trên chỉ là bước đầu tiên trong mục tiêu hướng tới xóa đói giảm nghèo bền vững. Để phát triển kinh tế bền vững và ổn định cuộc sống đòi hỏi chính từ sự nỗ lực vươn lên của người dân trong việc nắm bắt cơ hội đồng thời phát huy hiệu quả "đòn bảy" từ nguồn vốn Dự án.

Trọng Tuyển