tổ chức bộ máy

kinh tế xã hội

quy hoạch phát triển KT-XH

Đưa nông nghiệp Đắk Nông tăng tốc ngay từ năm đầu nhiệm kỳ
Ngày đăng 17/06/2021 | 15:24  | View count: 20471

Năm 2020 tuy gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tác động bất lợi từ thời tiết… nhưng sản xuất nông nghiệp tỉnh Ðắk Nông vẫn đạt hơn 7.549 tỷ đồng, tăng 4,52%. Năm 2021 là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng để tạo động lực phát triển cho cả nhiệm kỳ.

Tập trung chỉ tiêu về môi trường

Nói về những định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Sự phát triển thời gian này sẽ tạo động lực cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.

"Chúng tôi xác định rằng năm 2021 một năm tiền đề tổ chức triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Do vậy, ngay từ bây giờ, Sở đã tiến hành xây dựng các chương trình mục tiêu đến năm 2025. Dựa trên chương trình mục tiêu này, chúng tôi xác lập nhiệm vụ cụ thể từng năm", ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, nhiệm vụ đầu tiên của ngành Nông nghiệp là về môi trường. Đây là chỉ tiêu hết sức nặng nề. Toàn ngành đã cam kết với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sẽ quyết tâm thực hiện bằng được. Theo đó, ngành Nông nghiệp đang tập trung triển khai xây dựng đề án khôi phục và nâng cao độ che phủ rừng đạt trên 40% vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu này, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thứ nhất là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có. Thứ hai, đẩy mạnh trồng rừng tập trung, chú trọng trồng cây lâm nghiệp, cây gỗ có giá trị cao và cây dài ngày, cây lâu năm. Ông Phạm Tuấn Anh cho biết: "Nhiệm vụ tiếp theo và hết sức căn cơ, đó là nâng cao độ che phủ thông qua phương thức nông-lâm kết hợp. Đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất trên diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, xâm cư, người dân lấn chiếm".

Ngành Nông nghiệp cùng các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai chương trình trồng cây rừng xen vào các cây lâm nghiệp; tập trung khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên đối với diện tích rừng nghèo kiệt, rừng non chưa thành rừng. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Đắk Nông sẽ tập trung phát triển cây phân tán. Theo đó, toàn ngành khuyến khích người dân trồng cây phân tán, vừa nâng cao đời sống, vừa bảo đảm độ che phủ cho địa phương.

Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, muốn làm được việc này, cần một cơ chế, chính sách phù hợp với từng loại hình, giải pháp và phải có nguồn lực để bảo đảm thực hiện. "Do đó, trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ xin chủ trương của Tỉnh ủy để xây dựng đề án, nhằm tạo cơ sở, cơ chế và nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt", ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

Ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt trên 40%. Ảnh: Một góc ở  khu rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý.

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ngoài việc tiếp tục bảo đảm phục vụ diện tích cây trồng cần tưới đạt trên 85%, trong năm 2021, ngành Nông nghiệp tập trung vào hai đề án quan trọng. Đó là, đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và đề án phát triển, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, dư địa phát triển nông nghiệp ở Đắk Nông rất lớn. Tuy nhiên, về cơ cấu có những vùng, những nơi chưa thực sự phù hợp. Do vậy, việc đánh giá hiện trạng để chuyển dịch cơ cấu sao cho phát huy tốt nhất tiềm năng về đất đai, điều kiện khí hậu… và phù hợp với từng đối tượng nông dân, từng cộng đồng, từng vùng là hết sức quan trọng.

Đối với đề án phát triển, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh đáp ứng được các yêu cầu thị trường, về số lượng, chất lượng. Nói về đề án này, ông Phạm Tuấn Anh lý giải, việc hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo cơ sở để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

"Đối với việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi đi theo hai xu hướng. Thứ nhất, về bề rộng là động viên, khuyến khích bà con nông dân ứng dụng công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giải pháp sản xuất thân thiện môi trường thích ứng biến đổi khí hậu. Về chiều sâu, chúng tôi đánh giá và hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao", ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

Đánh giá về việc hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, đây là một trong những tiền đề hết sức quan trọng để toàn ngành rút kinh nghiệm và có lộ trình, giải pháp tác động giúp bà con nông dân hình thành nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đây đến năm 2025, toàn tỉnh phải hình thành được 30 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng đang tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức tài trợ; cũng như doanh nghiệp có kinh nghiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở chế biến, bảo quản, hỗ trợ cho nông dân bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nhằm để tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường…

 

5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá và công nhận các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cán bộ trong ngành đã giúp bà con hình thành 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Vùng lúa Buôn Choáh (Krông Nô), vùng xoài Ðắk Gằn và vùng cà phê Thuận An (Ðắk Mil), vùng tiêu Thuận Hà - Thuận Hạnh (Ðắk Song), vùng cây ăn trái Quảng Khê (Ðắk Glong).

 

Phát triển mỗi xã một sản phẩm

Một trong những giải pháp, cũng như nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp Đắk Nông trong thời gian tới, đó là phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Năm 2020, toàn tỉnh có 36 sản phẩm được công nhận OCOP với 3 sản phẩm được công nhận 4 sao và còn lại sản phẩm 3 sao. Việc tổ chức đánh giá công nhận sản phẩm OCOP sẽ tạo động lực để các chủ thể (hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp…) phát triển sản phẩm của mình bảo đảm yêu cầu cao của thị trường. "Ngành Nông nghiệp cũng phải tích cực làm thế nào để các sản phẩm được công nhận OCOP vươn ra thị trường thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp, các kênh tiêu thụ". Ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

Ngoài việc phát triển mỗi xã một sản phẩm, mục tiêu xây dựng nông thôn mới được ngành Nông nghiệp Đắk Nông xem là chương trình rất quan trọng và có tác động mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh. Bên cạnh vận dụng tất cả các nguồn lực, chương trình, ngành Nông nghiệp cũng đang nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh xây dựng một đề án cho các xã vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo nguồn lực, các giải pháp phù hợp phát triển những vùng khó khăn này…

"Chúng tôi mong rằng, với những nỗ lực cố gắng của toàn ngành, trong năm 2021 nói riêng và giai đoạn 2021-2025 nói chung, ngành Nông nghiệp sẽ có những khởi sắc. Đó là đạt được các mục tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã giao trọng trách", ông Phạm Tuấn Anh kỳ vọng.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử

bộ thủ tục hành chính

Cơ quan thực hiện
Danh mục lĩnh vực