tổ chức bộ máy

kinh tế xã hội

chi tiết dự án kêu gọi đầu tư

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/3/2021
Ngày đăng 15/03/2021 | 08:26  | View count: 8662

Sửa quy định về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng CSXH; nhiều chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ; quy định mới về quản lý dự án đầu tư xây dựng... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 8-12/3/2021.

Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu

Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Chính phủ thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành là kiên định tập trung thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từng thành viên Chính phủ nỗ lực hơn nữa, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; tập trung xử lý những nhiệm vụ quan trọng cấp bách; bảo đảm công khai, minh bạch, không để tồn đọng nhiệm vụ; chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 19/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của Quý I và cả năm 2021.

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chiến lược đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0 - 4,0%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

Sửa quy định về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng CSXH

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 8/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Quy chế này quy định việc xử lý nợ của khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội bị rủi ro do nguyên nhân khách quan.

Về nguyên nhân khách quan, Quyết định số 8/2021/QĐ-TTg quy định có 5 trường hợp được coi là nguyên nhân khách quan thay vì 4 trường hợp như đã quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, Quyết định số 8/2021/QĐ-TTg cũng sửa đổi các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro; điều kiện và thời gian khoanh nợ.

Quy định mới về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Nghị định quy định đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, người quyết định đầu tư lựa chọn hình thức quản lý dự án quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.

Cụ thể, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực) trên cơ sở số lượng, tiến độ thực hiện các dự án cùng một chuyên ngành, cùng một hướng tuyến, trong một khu vực hành chính hoặc theo yêu cầu của nhà tài trợ vốn.

Trong trường hợp không áp dụng hình thức quản lý dự án theo quy định trên, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án hoặc chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án.

Còn đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc vốn khác, người quyết định đầu tư quyết định hình thức quản lý dự án được quy định tại khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, phù hợp với yêu cầu quản lý và điều kiện cụ thể của dự án.

Đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ. Trường hợp điều ước quốc tế về ODA hoặc thỏa thuận với nhà tài trợ không có quy định cụ thể thì hình thức tổ chức quản lý dự án được thực hiện theo quy định của Nghị định này.

Đối với dự án PPP, hình thức quản lý dự án được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 19 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án và thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

Nhiều chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện

Chính phủ ban hành Nghị định 17/2021/NĐ-CP quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.

Đối với thanh niên xung phong, Nghị định quy định cụ thể 3 chính sách: Chính sách đối với đội viên thanh niên xung phong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chính sách đối với đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ; chính sách đối với người làm công tác lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, kỹ thuật trong tổ chức thanh niên xung phong.

Nghị định quy định chính sách đối với thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình, đề án, dự án; chính sách đối với thanh niên tình nguyện, cơ quan tổ chức hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và xã hội.

Thủ tướng đồng ý thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ

Thủ tướng đã phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money). Hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile – Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money phải cung cấp Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được Doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động; và số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile – Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile – Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

Cơ chế hỗ trợ phòng, chống khắc phục hậu quả hạn mặn

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện phòng, chống khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng 4 KCN
Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký các quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cầu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế; khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc; khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú; khu công nghiệp Gia Bình II, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Sáp nhập CĐ Sư phạm Ninh Thuận vào ĐH Nông Lâm TPHCM

Thủ tướng Chính phủ quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chinhphu.vn

bộ thủ tục hành chính

Cơ quan thực hiện
Danh mục lĩnh vực