tổ chức bộ máy

kinh tế xã hội

chi tiết dự án kêu gọi đầu tư

Giải pháp phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít tỉnh Đắk Nông đến năm 2025
Ngày đăng 20/03/2020 | 09:11  | View count: 31731

Nhằm khuyến khích đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm, sản xuất các sản phẩm sau nhôm để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm của các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít (công nghiệp cơ khí; công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp về môi trường); Phấn đấu trong vòng 15 - 20 năm tới xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất và luyện kim màu lớn của đất nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ngày 03/3/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành kế hoạch số 101/KH-UBND về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, trong đó bao gồm 06 nhóm nhiệm vụ và giải pháp sau:

Toàn cảnh Nhà máy Alumin Nhân cơ

 

1. Đẩy mạnh công tác kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít:
Đối với lĩnh vực cơ khí:
Tập trung đẩy mạnh công tác kêu gọi thu hút đầu tư để phát triển một số ngành công nghiệp cơ khí nhằm đáp ứng nhu cầu máy móc thiết bị phục vụ cho việc bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các phương tiện, thiết bị vận tải phục vụ khai thác và chế biến bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm; sử dụng nhôm, các hợp kim nhôm phục vụ nhu cầu về công nghiệp, xây dựng và dân dụng; cụ thể như sau:
- Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy cơ khí chế tạo máy, thiết bị phục vụ cho hoạt động khai thác, chế biến bô xít, luyện alumin và điện phân nhôm.
- Hình thành trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế thiết bị phục vụ cho hoạt động khai thác và chế biến bô xít.
- Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất dây cáp điện; sản xuất nhôm định hình để sản xuất cửa và nhôm trang trí. 
- Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện thiết bị công nghiệp sử dụng nhôm và hợp kim nhôm cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
- Kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị phục vụ sinh hoạt sử dụng nhôm và hợp kim nhôm phục vụ đời sống; nhà máy sản xuất các sản phẩm bao bì có sử dụng nhôm (vỏ hộp, lon, túi vỏ nhôm...).
Đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất:
Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp hóa chất phục vụ cho công nghiệp bô xít với các nhóm chủ yếu sau: Nhà máy sản xuất NaOH, nhà máy sản xuất H2SO4 để trung hòa lượng xút dư và chất trợ lắng trong công nghiệp xử lý bùn đỏ.
Về công nghiệp vật liệu xây dựng:
Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh và thay thế vật liệu xây dựng nung; trong đó tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển thêm một số nhà máy sản xuất gạch không nung từ xỉ than, tro bay của nhà máy nhiệt điện.
Về công nghiệp về môi trường:
Tập trung kêu gọi và phát triển các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi trường; trong đó ưu tiên chú trọng đến lĩnh vực quan trắc môi trường và phát triển các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khôi phục tài nguyên, nhằm hoàn nguyên tốt các vùng mỏ sau khai thác.
Làm việc tại phòng thí nghiệm – Alumin Nhân cơ

 

2. Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ:
Điều tra, khảo sát thực trạng về công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít của tỉnh. Trên cơ sở thu thập thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu và trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ của tỉnh để đánh giá đúng thực trạng làm cơ sở kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển, đặc biệt là kêu gọi các đối tác từ Hàn Quốc và Nhật Bản vào đầu tư phát triển các lĩnh vực công nghiệp sản xuất các sản phẩm sau nhôm.
3. Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước:
- Tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
- Tổ chức các diễn đàn giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Xây dựng và tổ chức chương trình xúc tiến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ.
- Tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ công tác quảng bá, đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
- Tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia hội chợ, xúc tiến tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ; liên doanh, liên kết hợp tác phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít.
4. Phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp:
- Tổ chức sắp xếp, đổi mới và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo hiện có của tỉnh, đặc biệt là tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, giảng viên, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm từng bước tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao đáp ứng cho phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ bô xít; yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Xây dựng mối liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo kỹ thuật, công nghệ. Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp. Có cơ chế chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nhất là lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, các chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho những người làm quản lý, quản trị trong các doanh nghiệp và khởi sự để chủ động thích ứng với biến động của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng đội ngũ lao động có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng suất và hiệu quả.
5. Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu:
- Giới thiệu, phổ biến một số quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
- Hỗ trợ về nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
- Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện, đổi mới công nghệ và sản xuất thử nghiệm; hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ, mua bản quyền, sáng chế, phần mềm.
- Hỗ trợ thuê chuyên gia trong và ngoài nước để hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
6. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít:
- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vai trò, nội dung và tầm quan trọng của việc phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít trong sự nghiệp phát triển công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, xác định việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Xây dựng các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ bô xít phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ công nghiệp bô xít, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý, tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp bô xít. 
 
  Nguyễn Thế Phương - Sở Công Thương

bộ thủ tục hành chính

Cơ quan thực hiện
Danh mục lĩnh vực