BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Liên hợp quốc đề ra 5 mục tiêu trọng tâm năm 2019, Hội đồng CPTPP khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ thỏa thuận, Mỹ cân nhắc phương án cắt giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Anh đứng trước 3 kịch bản sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội..., là những thông tin quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.
Liên hợp quốc đề ra 5 mục tiêu trọng tâm năm 2019
Dù còn phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, song Liên hợp quốc đã làm nên "một sự khác biệt thực sự" trong năm 2018 và cần phải tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu trong năm 2019 thông qua các mục tiêu trọng tâm cụ thể.
Đây là nội dung trong thông điệp năm mới do Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres đưa ra từ trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), ngày 16/1. Bản thông điệp năm mới của ông Gutteres cũng vạch ra 5 vấn đề ưu tiên của người đứng đầu Liên hợp quốc trong năm 2019, bao gồm: Ngoại giao vì hòa bình, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), nâng cao quản trị công nghệ mới và các giá trị vững mạnh hơn của Liên hợp quốc trên toàn thế giới.
Điểm lại những thành tựu quan trọng nhất của Liên hợp quốc trong năm 2018, ông Guterres nhấn mạnh: "Những thực tiễn trong năm 2018 cho thấy khi chúng ta cùng phối hợp với nhau và cùng sẻ chia, gánh vác trách nhiệm, thì công việc sẽ được giải quyết". Trong đó, những thành tựu mà tổ chức đa phương này đạt được trong năm 2018 phải kể đến bao gồm: Thiết lập nền tảng hòa bình ở Yemen, bán đảo Triều Tiên, Nam Sudan, hạ nhiệt căng thẳng giữa Ethiopia và Eritrea.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng nhấn mạnh tới những kết quả thành công tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra tại Ba Lan vào tháng 12/2018, đã mang lại tiếng nói đồng thuận chung về cách thức triển khai Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, những thành tựu mang tầm quốc tế khác mà Liên hợp quốc đã đạt được trong năm 2018 gồm việc đưa ra những thỏa thuận toàn cầu về người di cư và người tị nạn, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động gìn giữ hòa bình và thực hiện những bước đi chủ đạo để cải tổ Liên hợp quốc.
Hội đồng CPTPP khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ thỏa thuận
Ngày 19/1, cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản với sự tham dự của bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và tương đương của 11 nước thành viên. Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp là Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại cuộc họp, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung, khẳng định quyết tâm thực thi đầy đủ CPTPP nhằm gửi đi thông điệp mạnh mẽ trong việc ủng hộ thương mại tự do, đặt ra các tiêu chuẩn cao và cân bằng cho hoạt động giao thương ở thế kỷ 21 cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, các bộ trưởng đã thông qua 4 quyết định quan trọng, gồm Quyết định về cơ chế hoạt động của Hội đồng CPTPP; Quyết định về quy trình, thủ tục và điều kiện xem xét, kết nạp các thành viên mới; Quyết định về quy trình và thủ tục của hội đồng trọng tài liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước; Quyết định về bộ quy tắc ứng xử của trọng tài viên liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định quyết tâm của các nước thành viên đang làm hết sức để CPTPP đóng vai trò là ngọn cờ đầu cho tự do thương mại, trong bối cảnh các nước bị cuốn vào chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Abe cho biết cánh cửa đã mở đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ mong muốn gia nhập CPTPP - một hiệp định tiêu chuẩn chất lượng cao, đồng thời kỳ vọng CPTPP sẽ có sự tham gia của nhiều quốc gia đang tìm kiếm thương mại tự do và công bằng.
Mỹ cân nhắc phương án cắt giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc
Tờ The Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ vừa đưa tin về việc giới chức nước này đang cân nhắc tới phương án cắt giảm thuế đối với một số, hay thậm chí là toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
WSJ cho biết, đây là đề xuất của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, với kỳ vọng sẽ giúp bình ổn thị trường và khích lệ Trung Quốc đưa ra những nhượng bộ lớn hơn trong giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, cũng theo WSJ thì đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã phản đối đề xuất trên vì cho rằng, điều này có thể được xem là "một dấu hiệu của sự yếu thế" từ phía Mỹ.
Đề xuất trên được Bộ trưởng Tài chính Mỹ đưa ra chỉ ít ngày trước khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sẽ sang thăm Mỹ vào cuối tháng 1/2019 để thảo luận với ông Mnuchin và ông Lighthizer về vấn đề thương mại.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Argentina vào tháng 12/2018, Tổng thống D.Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đạt "thỏa thuận đình chiến thương mại" có hiệu lực kéo dài tới ngày 1/3 để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ ngòi nổ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Tuần trước, các đại diện thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã nối lại vòng đối thoại trực tiếp kéo dài 3 ngày tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).
Nước Anh đứng trước 3 kịch bản sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội
Kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh về thỏa thuận Brexit vào tối 15/1 có thể khiến Anh khó ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) đúng thời hạn dự tính là là 29/3 tới.
Kết quả bỏ phiếu quá chênh lệch với tỷ lệ 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận cho thấy tiến trình Brexit đang đứng trước nhiều rủi ro và trái với hy vọng của Thủ tướng May. Nhiều khả năng là Anh sẽ ra khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, một kịch bản mà giới doanh nghiệp rất lo ngại, với nguy cơ là đồng bảng Anh sụt giá mạnh và thất nghiệp tăng vọt.
Kịch bản thứ hai là nước Anh tổ chức lại trưng cầu ý dân về Brexit. Đây là yêu cầu của phe ủng hộ hợp nhất châu Âu, với hy vọng là cuộc bỏ phiếu lại sẽ đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/06/2016. Nhưng nếu tổ chức trưng cầu ý dân lần thứ hai thì rõ ràng Anh không thể nào tuân thủ thời hạn rời EU vào ngày 29/3 tới.
Một kịch bản khác có thể xảy ra là Anh sẽ tổ chức bầu cử trước thời hạn, như yêu cầu của Công đảng đối lập. Nếu Công đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này, họ dự tính sẽ thương lượng một thỏa thuận mới với EU. Nhưng trong trường hợp đó, cần phải có nhiều thời gian để làm việc này. Do vậy, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đã nêu lên khả năng hoãn ngày Anh rời EU. Hiện các nghị sĩ Anh đang chuẩn bị đưa ra một kiến nghị hoãn tiến trình Brexit, vốn được quy định trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Ngày 16/1, Chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nước này, qua đó, dọn đường để nhà lãnh đạo Anh nỗ lực thiết lập sự nhất trí của các nghị sĩ về một thỏa thuận Brexit.
Mỹ thông báo kế hoạch rút khỏi INF
Mỹ vừa thông báo sẽ khởi động tiến trình rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2/2 tới và ấn định cho Nga thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm trên để chứng tỏ mức độ tuân thủ INF nếu như còn muốn bảo toàn Hiệp ước này.
Thông tin trên đã được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế - bà Andrea Thompson đưa ra trong cuộc gặp gỡ các quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ), tối 16/1.
Lời cảnh báo về khả năng rút khỏi INF đã được Mỹ đưa ra từ năm ngoái, tuy nhiên, thời điểm cụ thể để chấm dứt việc tuân thủ Hiệp ước ký kết từ hơn 3 thập kỷ trước với Nga đã được Mỹ công bố sau khi các vòng đàm phán về INF giữa hai nước tại Geneva (Thụy Sĩ) kết thúc ngày 15/1 trong bầu không khí "đáng thất vọng".
Trong khi đó, Nga lại cáo buộc Mỹ đang hành động theo hướng "cường điệu hóa sự việc". Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khẳng định, Moscow vẫn đang tuân thủ nghiêm túc Hiệp ước INF.
Ngày 16/1, truyền thông Nga đang tải một bài phỏng vấn Tổng thống Vladimir Putin phát đi thông điệp rõ ràng rằng "Nga không quan tâm tới một cuộc chạy đua vũ trang mới", song cũng không quên phát lời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng tới Mỹ trước kịch bản rút khỏi INF.
Ngày 19/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Mỹ và Nga giữ INF và thảo luận vào thời gian thích hợp việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) giữa hai nước
Tổng thống Pháp đề xuất đối thoại toàn quốc
Ngày 13/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu đề xuất khởi động một cuộc đối thoại toàn quốc (dự kiến diễn ra từ ngày 15/1 – 15/3) với kỳ vọng sẽ giúp dập tắt các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng".
Đề xuất này được ông Macron nêu lên trong một bức thư dài 2.330 từ gửi tới toàn thể người dân Pháp, trong đó gồm cả việc đưa ra lời cam kết sẽ "lắng nghe các ý kiến mới" song vẫn tỏ rõ lập trường nhằm theo đuổi một "chương trình cải cách kinh tế cốt lõi". Đây cũng được xem là biện pháp nhượng bộ tiếp theo của nhà lãnh đạo 41 tuổi này sau khi có bài phát biểu trên truyền hình nhằm đưa ra những biện pháp giải quyết xung đột xã hội vào tối 10/12/2018.
Trong bức thư gửi tới toàn thể người dân Pháp tối 13/1 được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt câu hỏi mà ông hy vọng sẽ nhận được lời hồi đáp từ người dân nước này. Ông Macron tin tưởng rằng các đề xuất của người dân "sẽ giúp xây dựng một giao ước mới cho đất nước, tái cấu trúc hoạt động của chính phủ và quốc hội, cũng như định hình lại vai trò của nước Pháp tại châu Âu và trên trường quốc tế". Ông Macron cũng lưu ý thêm rằng ông sẽ không chấp nhận bất cứ hình thức bạo lực nào, đồng thời kỳ vọng rằng việc nêu đề xuất tiến hành đối thoại toàn quốc chính là cách thức để ông có thể tỏ rõ thiện chí "biến sự giận dữ thành những giải pháp".
Mặc dù Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã tổ chức những cuộc tranh luận tại các hội đồng thành phố, tạo diễn đàn để phe "Áo vàng" thể hiện quan điểm thay vì đi biểu tình, ngày 19/1, những người "Áo vàng" vẫn tiếp tục đổ ra đường trong tuần biểu tình thứ 10 liên tiếp, với quy mô được cho là không kém cuộc biểu tình tuần trước về số người tham gia (hơn 80.000 người)./.
Theo dangcongsan.vn