BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

ASEAN chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố không thuốc lá
Ngày đăng 21/11/2018 | 16:20  | View count: 8235

Ngày 20/11, tại TP. Hội An (Quảng Nam), Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp với Liên minh Phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị các nước khu vực ASEAN về xây dựng thành phố không thuốc lá (SCAN) lần thứ 6.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Lưu Hương
 

Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho các thành phố du lịch không khói thuốc lá của các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung quốc, Indonesia, Myanma, Malaysia, Philippines, Mông Cổ.

Hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, các thành phố, các địa điểm du lịch trong khu vực ASEAN và châu Á-Thái Bình Dương về việc triển khai môi trường du lịch không khói thuốc và tăng cường mạng lưới hợp tác về thực thi môi trường du lịch không khói thuốc giữa các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tại Việt Nam, công tác xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc đã được Bộ Y tế và Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá triển khai từ năm 2009 tại Hội An và mở rộng thêm một số tỉnh, thành phố khác như Hạ Long, Huế, Nha Trang, Hải Phòng...

Tại các thành phố này, quy định cấm hút thuốc lá được triển khai trước hết trong các nhà hàng, khách sạn, các điểm di tích lịch sử, văn hóa, các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện. Việc xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc không những giúp tạo dựng hình ảnh du lịch xanh, sạch, đẹp trong mắt du khách quốc tế, mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Theo báo cáo năm 2016 về "Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS)" cho thấy, việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá bước đầu đã có hiệu quả như: Tỉ lệ nam giới hút thuốc giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỉ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%), tỉ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm rõ rệt 6,5% (từ 45,2% xuống 38,7%).

Tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa điểm, như: Tại nhà hàng giảm từ 84,9% xuống 80,7%, tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%), tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%), trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,4% xuống 19,4%)...

Ông Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, trong thời gian tới, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành phố đẩy mạnh xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng; tăng cường truyền thông nâng cao ý thức cho cộng đồng trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về địa điểm cấm hút thuốc lá…

Theo chinhphu.vn