Xuất bản thông tin
Đàn đá, tiếng M’Nông gọi là “goong lu”, tức “đá kêu như tiếng cồng”, được xem là nhạc cụ cổ nhất không chỉ đối với các đồng bào dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên, mà còn là một trong những loại nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người. Nhạc cụ này được chế tác từ những thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Các thanh đá càng dài, càng to thì âm thanh càng trầm. Ngược lại, thanh đá càng ngắn, càng nhỏ và mỏng thì âm thanh càng cao. Năm 2005, đàn đá được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
Ở Việt Nam, bộ đàn đá đầu tiên được nhà dân tộc học người Pháp, giáo sư Georges Condominas phát hiện vào năm 1949 tại buôn N'dut Liêng Krắk, thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Hiện bộ đàn đá có niên đại khoảng 3000 năm này được trưng bày ở Bảo tàng Con người (Musée de l'Homme) ở Paris, Pháp.
Ở Đăk Nông, hiện Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và trưng bày 02 bộ đàn đá đã được tìm thấy vào năm 1993 và năm 2014.
Bộ đàn đá Đắk Kar – BQL CVĐC Đắk Nông |
Bộ đàn đá đầu tiên được phát hiện ở suối Đắk Kar thuộc xã Quảng Tín, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông nên được đặt tên là Đàn đá Đắk Kar. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, đàn có niên đại khoảng 2500 năm, được làm từ chất liệu đá sừng cordierite. Qua gia công ghè đẽo, chế tác, người tiền sử đã tạo ra bộ đàn đá hoàn chỉnh gồm 3 thanh với ý nghĩa: Thanh T'ru (cha), Thanh T'rơ (mẹ), Thanh Tê (con).
Bộ đàn đá thứ 2 được phát hiện năm 2014 tại thôn Đắk Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông, được đặt tên là Đàn đá Đắc Sơn. Bộ đàn đá này gồm có 16 thanh, trong đó có 11 thanh còn nguyên vẹn, 5 thanh đã bị gãy đôi hoặc thành nhiều đoạn nhưng có thể gắn chắp nguyên dạng.
Bộ đàn đá Đắk Sơn – BQL CVĐC Đắk Nông |
Các thanh đàn đá Đắk Sơn được chế tạo từ đá phiến biến chất. Căn cứ vào kỹ thuật chế tác và tần số âm thanh, các nhà khoa học đã khẳng định Đàn đá Đắc Sơn thuộc truyền thống đàn đá N'Dut Liêng Krak, là bộ sưu tập đàn đá cổ có niên đại khoảng 3.000 năm.
Với người đồng bào M'Nông sinh sống trong vùng Công viên địa chất Đắk Nông, đàn đá thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Với ý nghĩa linh thiêng đó, đàn đá thường được trình tấu trong những ngày lễ hội như: Lễ cúng Yang, lễ mừng lúa mới, mừng được mùa,... Người M'nông xưa quan niệm rằng, thanh âm của đàn đá là sợi dây linh thiêng, là phương tiện để nối liền giữa con người với trời đất thần linh, nối quá khứ với hiện tại và hướng con người đến những điều tốt đẹp trong tương lai.
Bạch Vân